Thứ Năm, 24/06/2021, 7:30

Bước đầu thành công nuôi cá Chình hoa tại miền Bắc

(Aquaculture.vn) – Cá Chình hoa (Chình bông) là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, được nuôi nhiều ở các tỉnh miền Tây (ĐBSCL) và một số tỉnh miền Trung, miền Nam. Ở miền Bắc, anh Nguyễn Hồng Thái đã đưa con cá Chình hoa về Nam Định nuôi và đã có những thành công bước đầu.

 

Cá Chình hoa (Anguilla marmorata) có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng là loài đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao

Anh Nguyễn Hồng Thái, là một người làm trong lĩnh vực nhà hàng, tiếp xúc nhiều với cá chình nên anh Thái nhận thấy đây là loài cá có tiềm năng và giá trị lớn, bởi giá bán cao từ 400.000 – 550.000 đồng/ kg và giá bán này ít biến động. Nghĩ là làm, từ năm 2019 anh lặn lội khắp miền Trung, đặc biệt là các tỉnh có nguồn giống cá chình như Phú Yên, Khánh Hòa, để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Anh Thái cho biết, anh mua cá chình giống (bạch tử) bắt từ tự nhiên về ương nuôi trong bể, khi cá đạt cỡ cá giống lớn thì anh chuyển về miền Bắc nuôi hoặc bán lại cho người nuôi có nhu cầu.

Nói về cơ duyên đưa con cá Chình hoa ra Nam Định nuôi anh chia sẻ: Ngoài miền Bắc chưa có nơi nào nuôi đối tượng này với quy mô hàng hóa, đa phần là nhập từ miền Trung, miền Nam ra trong khi nhu cầu cá thương phẩm là rất lớn. Đây là cơ hội tốt nếu nuôi được cá chình tại miền Bắc.

Đầu tháng 4/2021, anh Thái chuyển 5.000 con cá Chình hoa với các cỡ giống 20 con/ kg và 50 con/ kg vào 3 ao nuôi. Cá tăng trưởng tốt, với cá giống 20 con/ kg sau 2 tháng nuôi cá đạt cỡ trung bình 250g/ con, có nhiều con đạt 300g hoặc hơn. Theo anh Thái, với sự phát triển này cho thấy cá Chình phát triển tốt ở môi trường miền Bắc.

Thức ăn cho cá Chình được xay nhuyễn và có độ kết dính nhất định

Anh Thái cho biết: “Cá Chình là loài ưa hoạt động trong bóng tối nên thức ăn sử dụng là thức ăn chìm, và phải dùng sàng ăn để giữ thức ăn không bị thất thoát trong quá trình cho ăn. Đồng thời, do cá Chình thích bóng tối nên thường hoạt động mạnh về ban đêm, do đó thời gian cho ăn thường sẽ vào lúc chiều tối”. Thức ăn cho cá là cá tạp xay trộn với thành phần kết dính, men tiêu hóa.

“Sau thời gian nuôi khoảng 4 – 5 tháng thì phải tách đàn, phân loại những con lớn nhỏ để tiện chăm sóc, đảm bảo sao cho 1 m2 có 5 – 6 con sinh sống. Cá Chình thường ít dịch bệnh hơn so với một số loại cá khác, sau một năm nuôi có thể đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg/con”, anh Thái chia sẻ thêm.

Thức ăn được đặt vào sàng để tránh thất thoát trong quá trình ăn

Bài và ảnh: Phạm Huệ

 

Cá Chình hoa (Anguilla marmorata) có chu kỳ sống rất đặc biệt: sinh trưởng trong nước ngọt đến tuổi thành thục, trưởng thành sinh dục, di cư ra biển để sinh sản. Trong quá trình di cư, tuyến sinh dục phát triển, chín muồi và sinh sản ở vùng biển sâu. Trứng thụ tinh, phôi phát triển nở thành ấu trùng dạng là liễu, sống phù du trong nước biển, theo các dòng hải lưu trôi dạt vào bờ, biến thành có chình dạng ống trong suốt, vào cửa sông-hạ lưu biến thành cá chình con. Cá chình con theo dòng nước ngọt di cư lên thượng nguồn các sông, suối, các hồ chứa nước ngọt để sinh sống cho đến lúc trưởng thành. Các loài cá chình giống Anguilla chỉ sinh sản một lần trong đời sống. Sau khi sinh sản, cá chình bố mẹ chết.