Nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng trong quản lý chất lượng nước ao nuôi thủy sản và cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của cá nuôi. Khi nhiệt độ cao làm cá tăng trao đổi chất, do đó tăng tiêu hao Oxy, tăng sự mẫn cảm đối với vi khuẩn gây bệnh. Mặt khác, khi nhiệt độ tăng tính độc của kim loại nặng cũng tăng. Cùng với sự tăng cường độ hô hấp của cá gây ra tác động hợp lực ảnh hưởng xấu tới cá. Sự tăng, giảm đột ngột nhiệt độ sẽ trực tiếp gây sốc cho cá, làm tỉ lệ sống và khả năng đề kháng bệnh của cá thấp hơn rất nhiều so với cá sống trong khoảng nhiệt độ thích hợp. Vì vậy, cần chăm sóc và quản lý tốt đàn cá nuôi mùa nắng nóng.
Với ao nuôi cá bố mẹ cần bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi, đảm bảo độ sâu mực nước và chất lượng nước; có thể làm mái che khung bằng kim loại, rồi phủ lưới đen lên trên để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá bố mẹ; tăng cường quạt khí để cung cấp oxy và chủ động công tác phòng bệnh cho cá vào thời điểm nắng nóng.
Với ao ương đảm bảo bổ sung nước thường xuyên; chăm sóc và quản lý tốt các ao ương cá giống; tính toán mật độ nuôi phù hợp; khuyến khích dùng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường; định lượng thức ăn hàng ngày cho từng đối tượng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cá giống. Những ngày nắng nóng không nên kéo cá vào bể ép, xuất bán hay vận chuyển cá giống.
* Đối với nuôi cá trong ao, hồ nhỏ: Duy trì mực nước trong ao từ 1,5 – 2m trong suốt mùa hè, đồng thời thả bèo tây trên mặt ao khoảng 1/3 diện tích để làm chỗ trú cho cá. Nâng cao sức khỏe đàn cá trong ao. Sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại Vitamin, khoáng chất vào thức ăn liều lượng 3 – 5 g/100 kg cá/ngày để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Giảm khẩu phần cho ăn xuống khoảng 50 – 60% vào những ngày nắng nóng nhiệt độ nước trên 350C.
* Đối với nuôi cá lồng bè: Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng; kiểm tra, tu sửa lại lồng nuôi, bảo đảm lồng vững chắc, cần hạ thấp lưới lồng xuống, đối với lồng lưới cần phải đậy nắp lồng để tránh thất thoát. Đảm bảo độ sâu của lồng luôn ở mức 2,5 – 3m. Dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi về giá đầu nguồn để phòng bệnh cho cá.
KS. Nguyễn An Bình
Trung tâm Khuyến nông