[Aquaculture Việt Nam] “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là câu tục ngữ của dân ta, chỉ ra 4 yếu tố được xem là quan trọng nhất cho một mùa vụ thành công. Ấy vậy mà, tại đất nước nông nghiệp như Việt Nam, “tứ giống” ngày nay vẫn còn là một vấn đề nan giải, là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ bất lương.
Con sâu làm rầu nồi canh
Vừa qua, cộng đồng những người nuôi tôm lại tiếp tục đón nhận được thông tin lô tôm giống không có hồ sơ kiểm định được phát hiện và đem đi tiêu hủy. Thông tin từ báo Người Lao Động, Đoàn kiểm tra giống thủy sản, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã tiến hành kiểm tra và bắt giữ 2 xe vận chuyển tôm giống không có giấy tờ tại địa bàn xã Vĩnh Long vào ngày 19/01/2021.
Cụ thể, tiến hành kiểm tra 2 xe hàng vận chuyển tôm thẻ chân trắng giống nhãn hiệu T.G (địa chỉ phường Nhà Mát, tp Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), và xe hàng vận chuyển tôm sú giống cùng tôm thẻ chân trắng giống, mang nhãn hiệu T.N (địa chỉ quận Cái Răng, Cần Thơ). Phát hiện tổng số 489.000 con tôm giống tôm thẻ chân trắng và 12.000 con tôm sú giống đang được vận chuyển.
Qua kiểm tra thực tế, các cá nhân vận chuyển giống thủy sản không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ kiểm dịch theo quy định. Cá nhân vận chuyển đã tự ý bỏ lô tôm giống trên và trốn tránh làm việc với cơ quan điều tra. Sau đó, lô tôm này ngay lập tức được cơ quan chức năng mang đi tiêu hủy.
Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm nước ta mất hàng ngàn tỷ đồng vì dịch bệnh thủy sản. Nguyên nhân lớn nhất, theo các nhà khoa học là nằm ở khâu con giống, vì phần lớn tôm giống được sản xuất nhờ đánh bắt tôm bố mẹ ngoài tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng, dịch bệnh của tôm bố mẹ.
Tại sao vẫn còn đất cho tôm giống “bẩn”
Tôm giống được xem như là yếu tố tiên quyết cho một vụ nuôi thành công. Bởi vậy, nếu như bản thân người nông dân không là một người nuôi tôm thông thái, chưa phân biệt được tôm giống chất lượng và tôm giống “bẩn”, thì thiệt hại do giống mang lại là rất lớn.
Có thể nói, tại những khu vực trọng điểm nuôi tôm ở nước ta. Nghề sản xuất tôm giống đã và đang là mảnh đất màu mỡ. Thời gian sản xuất ngắn, thị trường đa dạng, nhu cầu tôm giống lại ngày một tăng. Chính vì nhu cầu tôm giống cao, đã phát sinh ra những cơ sở sản xuất tôm giống nhập lậu, tôm giống chưa qua kiểm dịch. Sự chênh lệch về giá cả giữa tôm giống sạch bệnh và tôm giống “bẩn” cũng là một lý do thu hút sự chú ý của người nuôi đến thị trường tôm giống kém chất lượng. Bởi vậy, nếu không là một người tiêu dùng thông thái, sẽ rất dễ mua phải những lô tôm giống không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến cả một vụ nuôi.
Qua kiểm tra, có thể thấy vào mùa cao điểm thả giống, tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm thương phẩm vẫn còn số lượng lớn tôm giống được vận chuyển từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Ngoài ra, nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở không đảm bảo điều kiện, cung cấp con giống ra thị trường guy cơ lây lan dịch bệnh.
Dù chính quyền cũng đã có nhiều những biện pháp để can thiệp, nhưng cốt lõi vẫn là ở chính lương tâm của những người kinh doanh, và ở sự thông thái của người mua hàng.
Siết chặt quản lý tôm giống đầu vào chuẩn bị cho một vụ thả mới
Tháng 01/2021, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị “Quản lý tôm giống nước lợ và ký quy chế phối hợp”. Hội nghị tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến hệ thống văn bản quản lý tôm giống nước lợ, công tác nghiên cứu chọn tạo giống, công tác thanh tra trong quản lý, kiểm soát chất lượng con giống năm 2021.
Năm 2021, kế hoạch sản xuất tôm nước lợ nước ta 740.000 ha, nhu cầu tôm giống khoảng 130 tỷ con, nhu cầu tôm bố mẹ khoảng 250.000 con, phấn đấu đạt sản lượng trên 900.000 tấn. Theo mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025, ngành hàng tôm nước ta phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Muốn đạt mục tiêu này cần không ngừng đầu tư phát triển khoa học công nghệ, hạ tầng vùng nuôi, quy trình nuôi trồng, đặc biệt sản xuất giống đóng vai trò quyết định. Kế hoạch năm 2021 cần chú trọng các giải pháp trọng tâm đối với quản lý chất lượng và sản xuất giống tôm nước lợ.
Tại Hội nghị, các địa phương đã tiến hành Lễ ký kết Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ giữa các tỉnh sản xuất con giống và các tỉnh tiêu thụ con giống để đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý giống, hai bên đã thống nhất nguyên tắc phối hợp tạo thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về hoạt động sản xuất, tiêu thụ giống tôm.
Theo đó, hàng năm, các địa phương sản xuất giống tôm sẽ cung cấp danh sách và thông tin liên quan của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ đủ/không đủ điều kiện trên địa bàn quản lý. Danh sách các cơ sở thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và thông tin về nội dung công bố cho các địa phương tiêu thụ được biết. Trong trường hợp các địa phương tiêu thụ phát hiện tôm giống tại cơ sở nuôi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng như tôm chậm lớn, tôm bị nhiễm các bệnh nguy hiểm trong gian đoạn đầu thả nuôi… thì thông báo cho các địa phương có cơ sở sản xuất giống để xem xét, xác minh và truy xuất nguồn gốc tôm giống. Ngoài ra, trong quá trình quản lý, các bên phát hiện hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và chất lượng giống tôm nước lợ thì các bên thông tin cho nhau, phối hợp xử lý theo quy định và báo cáo về Tổng cục Thủy sản. Trong trường hợp không thuộc thẩm quyền quản lý, các bên báo cáo cho Tổng cục Thủy sản để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Lê Bùi
“ Một trong những mắt xích quan trọng, đầu tiên góp phần vào sự thành công của ngành tôm đó là con giống. Trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có thủy sản, cách đây hơn 10 năm người ta cho rằng “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, thì ngày nay con giống được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, đối với tôm nuôi nước lợ chỉ cần chọn được con giống tốt thì coi như vụ nuôi tôm đó đã thành công 50%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.