Từ cuối năm 2023 đến nay, tình trạng cá song nuôi lồng bè ở các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà bị mắc bệnh lở loét rồi chết hàng loạt, diễn ra thường xuyên.
Những ngày cuối tháng 3/2024, tại khu vực nuôi cá lồng bè ở Cái Bèo, thuộc quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng nkhông còn cảnh buôn bán cá tấp nập như trước đây. Thay vào đó là không khí khá ảm đạm, chỉ có tiếng sóng, tiếng quạ kêu xen lẫn tiếng ca nô, tiếc máy nổ của tàu, thuyền.
Trên các nhà bè nuôi cá, người dân lặng lẽ tắm thuốc cho cá hoặc sửa lại lồng bè những chỗ không may bị hỏng hóc. Tay xách chiếc xô nhựa, mặt bịt kín khẩu trang, ông Đỗ Văn Toan (68 tuổi, trú tại thị trấn Cát Bà) ngồi bần thần nhìn đàn cá song lai mới thả đang quằn quại trong ô lồng chứa đầy hóa chất vừa được quây lại bằng bạt.
Đây là cách duy nhất để ông Toan tắm thuốc, chữa bệnh cho đàn cá song lai còn sót lại của lứa đầu tư này. Ông phải trông chừng để quan sát kĩ đàn cá, nếu có biểu hiện yếu đi hoặc ngạt khí sẽ dừng việc cho tắm lại để tránh thiệt hại ngoài mong muốn.
Ông Toan kể, lứa cá giống này phải lặn lội vào tận huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa để mua cách đây chưa lâu, tổng số là 4 vạn con với giá gần 90.000 đồng/con. Là người đã có kinh nghiệm nuôi cá lâu năm, nên các khâu đều được thực hiện chuẩn chỉ, chờ ngày cá lớn lên để bán.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, cá bắt đầu bị nấm mang, nấm vây, rồi lở loét và chết dần. Để đối phó, gia đình ông Toan đã mua các loại thuốc truyền thống vẫn dùng để chữa bệnh cho cá song nhưng vẫn không hiệu quả, trong thời gian ngắn đàn cá giống đã chết đi gần 1 nửa.
“Thời cao điểm chúng tôi phải tắm thuốc cho cá liên tục, cứ 3 ngày một lần nhưng vẫn không dứt được dịch bệnh. Đàn cá giống của gia đình tôi từ 4 vạn nay chỉ còn khoảng 2 vạn, tính ra đã thiệt hại gần 1 tỷ bạc rồi”, ông Toan chia sẻ.
Nếu như gia đình ông Đỗ Văn Toan chỉ thiệt hại phần đa là cá con, cách đó không xa, tại khu vực mực nước nông hơn, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cả đàn cá thương phẩm, nhiều bè cá chết hàng loạt.
Đơn cử như tại bè ông Đinh Như Đang, dịch bệnh xảy ra từ tháng 12/2023. Khi phát hiện những con đầu tiên bị bệnh, ông Đang đã dùng thuốc tím, thuốc vàng, xăng tơ len, cả hóc môn,… để tắm đều đặn cho cá nhưng vẫn không hiệu quả.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1 tấn cá song lai thương phẩm từ 3kg trở lên bị chết, với loại từ 8-9 lạng chết hơn 1.000 con và cá giống dưới 1 lạng chết khoảng 1,5 vạn con. Tổng thiệt lên đến vài trăm triệu đồng.
“Người nuôi nhiều mất nhiều, nuôi ít mất ít và chỉ cá song lai bị, các loại cá khác không sao. Chúng tôi không biết do thời tiết, nguồn nước hay là nguyên nhân gì nữa, từ trước đến này chưa bao giờ cá chết nhiều như thế này. Bà con nhôn nhao hết cả”, ông Đang cho biết thêm.
Tiếp tục ghi nhận cho thấy tình trạng cá song bị lở, loét đầu rồi chết, diễn ra ở nhiều lồng bè nuôi khác, trong đó lượng cá giống mới thả bị chết tỷ lệ cao hơn so với cá thương phẩm, dù người dân đã dùng nhiều biện pháp để phòng, chữa nhưng chưa thể dứt điểm.
Theo người dân nuôi cá, tình trạng cá chết nhiều diễn vào dịp cuối năm 2023, đến nay mới khoảng 4 tháng nhưng lượng cá mắc bệnh rồi chết rất lớn, lồng bè bị thiệt hại lớn nhất đã lên đến tiền tỷ và ít nhất cũng hàng trăm triệu đồng.
Về định lượng, có hộ đã mất hàng tấn cá thương phẩm, có hộ thiệt hại hơn 2 vạn cá giống, thậm chí có trường hợp còn mất tới 80% lượng cá đã nuôi được một thời gian khá dài với trọng lượng từ 2-3 lạng.
Về vấn đề này, theo Phòng NN-PTNT huyện Cát Hải, tình trạng cá chết trên địa bàn diễn ra thời gian qua, cơ quan chuyên môn có nắm được nhưng không cụ thể do người dân không báo cáo sự việc. Thông thường, khi thời tiết thay đổi tình trạng cá chết lác đác vẫn xảy ra, nhưng nếu tình trạng cá chết hàng loạt như người dân thông tin thì các cơ quan chuyên môn chưa nắm được.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Chi cục Thủy sản thành phố Hải Phòng cho biết, trước Tết Nguyên đán, đơn vị có nắm được tình hình cá chết ở Cát Bà và đã cử cán bộ chuyên môn xuống trực tiếp để hướng dẫn người dân tắm thuốc, phòng bệnh cho cá.
Bên cạnh đó, hàng tuần, huyện Cát Hải có cáo tình tình thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng và Sở NN-PTNT liên quan đến văn số 1442 về việc nuôi trồng thủy sản lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Tuy nhiên, tại các văn bản này không đề cập đến tình hình cá bị bệnh và chết hàng loạt. Trong khi đó, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, đơn vị này chưa nắm được tình hình dịch bệnh khiến cá song chết hàng loạt ở Cát Bà, sẽ đề nghị đơn vị trực thuộc và địa phương kiểm tra thực tế mới đưa ra giải pháp xử lý cụ thể.
Đinh Mười
Báo Nông nghiệp