Khám phá mới sẽ là cơ sở giúp các nhà khoa học xác định độc tố gây ngộ độc ciguatera của tảo roi, từ đó góp phần cảnh báo cộng đồng về an toàn thực phẩm biển.
Các nhà khoa học thuộc Viện Viện Hải dương học, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển, Viện Nghiên cứu Hệ gen (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã hợp tác với các nhà khoa học của Đan Mạch và Pháp, tiến hành nghiên cứu về mức độ đa dạng của chi tảo biển Gambierdiscus ở vùng biển Việt Nam.
Theo đó, trong bài báo Gambierdiscus (Gonyaulacales, Dinophyceae) diversity in Vietnamese waters with description of G. Vietnamensis sp. Nov được đăng tải trên Journal of Phycology, các nhà khoa học đã công bố 5 loài loài tảo hai roi Gambierdiscus ở vùng biển Việt Nam, bao gồm G. australes, G. caribaeus, G. carpenteri, G. pacificus, và một loài mới cho khoa học G. vietnamensis.
Theo thông tin từ Bản tin Khoa học công nghệ, tất cả các loài được xác định hình thái dưới kính hiển vi quang học và kính hiển vi điện tử quét, đồng thời việc định loại cũng được hỗ trợ bởi các phân tích phân tử của rDNA (các vùng D1–D3 và D8–D10 của LSU, SSU và ITS1-5.8S-ITS2) dựa trên vật mẫu nuôi cấy được phân lập trong vùng ven bờ và các hải đảo từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Việt Nam trong giai đoạn 2010–2021. Các số đo hình thái từ 30 đến 150 mẫu cho một chỉ tiêu hình thái và 5 chỉ tiêu quan trắc hình thái được thực hiện để có thể phân biệt một số loài.
Các nhà khoa học đã ghi nhận sự nhầm lẫn trong định loại giữa các loài Gambierdiscus là do sự khác biệt hình thái của chúng không nhiều, ví dụ như rất khó phân biệt giữa các loài Gambierdiscus balechii, G. belizeanus, G. chelonie, G. honu, G. lapillus, G.pacificus, và G. lewisii; nhưng chúng vẫn có sự khác biệt về mặt phân tích di truyền. Ban đầu, các nhà khoa học đã xác định loài mới là G. pacificus từ đảo Hải Nam (Trung Quốc), tuy nhiên qua phân tích sâu, loài này hoàn toàn mới và được đặt tên là G. vietnamensis. Trong công bố, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học trong nướcnhư GS.TS Nguyễn Ngọc Lâm, GS.TS Đoàn Như Hải, TS. Phan Tấn Lượm và các nhà khoa học quốc tế đã trình bày bằng chứng hình thái và phân tử để xác định loài mới Gambierdiscus vietnamensis.
Loài Gambierdiscus vietnamensis có nguồn gốc từ Mỹ Hòa (Phan Rang – Tháp Chàm) dòng VNPR012 (ON158649, ON158664, ON158624) sản sinh 40.8 ± 19.6 fg.CTX3C eq. cell-1 và 70.0 ± 44.8 pg.MTX eq. cell-1 (Pisapia et al., 2017).
Việc nghiên cứu về các loài Gambierdiscus đóng vai trò rất quan trọng, bởi một số loài Gambierdiscus sản sinh ra độc tố ciguatera. Bởi các loài tảo này là thức ăn của nhiều loài cá ăn thực vật (cá nhỏ), các loài cá này là thức ăn của các loài cá thịt lớn hơn, do đó các độc tố ciguatera đi vào chuỗi thức ăn và tích luỹ trong thịt các con cá lớn hơn.
Nhiều ca ngộ độc ciguatera (CFP) đã xảy ra do người dân tiêu thụ một số loài cá lớn trong rạn san hô như cá nhồng, cá chình, cá hồng,… ở khu vực Bình Sơn, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Côn Đảo,… Bên cạnh việc có thể gây ngộ độc cấp như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng hay kim loại nặng từ cá xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra nhiều hậu quả lâu dài cho sức khỏe, đặc biệt ở vùng gan. Rất khó để phòng tránh ngộ độc ciguatera, vì vi khuẩn không mùi, không vị, không phá huỷ bởi nhiệt độ đông lạnh, không xác định được bằng mắt thường.
Việc tìm hiểu về loài Gambierdiscus sẽ là tiền đề để các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu sâu về độc tố gây ngộ độc ciguatera của chúng, góp phần cảnh báo cộng đồng về an toàn thực phẩm biển.
Hoàng Nhi
Khoa học Phát triển