Theo đại diện UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc gần 1 tháng nay địa phương này đã diễn ra tình trạng ngao chết, số lượng đến thời điểm hiện tại lên đến gần 1000 tấn. Cứ khoảng 2 năm, xã này lại xảy ra tình trạng ngao chết với số lượng ngày càng lớn.
Ngày 24/12, ông Lê Doãn Hân, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, phòng chuyên môn UBND Hậu Lộc đã về địa phương kiểm tra, lấy mẫu nước để xác minh hiện tượng ngao chết hàng loạt thời gian qua.
Theo ông Hân, hiện tượng ngao chết xuất hiện từ đầu cuối tháng 11, đầu tháng 12, ở khu vực bãi ngang. Ước tính lượng ngao chết lên đến gần 1000 tấn bao gồm cả ngao thịt và ngao giống. Tổng diện tích ngao chết khoảng 50 ha của 27 hộ dân. Ông Hân cho biết thêm, nguyên nhân có thể do nguồn nước. Hiện nay nước phù sa về khu vực nuôi ngao bị hạn chế bởi ngăn sông, ngăn đập nên độ mặn cao hơn bình thường, chưa kể thời tiết đợt này lạnh cũng là nguyên nhân khách quan khiến ngao chết.
Trước đó, năm 2017, có xảy ra sự cố môi trường nhưng mật độ ngao chết cũng không nhiều như hiện nay. Đến khoảng tháng 2-4/2019,hàng trăm hộ dân xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc bất ngờ phát hiện ngao đang nuôi trên bãi bỗng chết hàng loạt, không rõ nguyên nhân, nhà ít thì 1 ha, nhà nhiều lên đến 5-7ha.
Tổng số lượng ngao chết ước tính lên đến cả nghìn tấn, thiệt hại hàng tỉ đồng. Sự việc khiến các hộ dân tại đây bỗng trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần.
Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu đều âm tính với kí sinh trùng Perkinsus, định lượng Vibrio trong tổng số 8 mẫu nước và ngao đều trong ngưỡng giới hạn cho phép, thành phần vô cơ trong 5 mẫu nước đều không phát hiện kim loại Asen, chì và thủy ngân.
Căn cứ vào kết quả trên, tháng 4/2019, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra kết luận, ngao chết do mật độ quá dày, không gian sinh sống bị hạn chế và phải cạnh tranh nguồn thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi môi trường không thuận lợi (lúc giao mùa), dẫn đến tình trạng ngao chết và gây ô nhiễm cục bộ trong vùng nuôi ngao, sau đó, lan rộng ra khắp vùng.
Tiếp đến, tháng 1/2022 tại vùng nuôi ngao tập trung ở các xã bãi ngang xảy ra hiện tượng ngao nuôi chết bất thường với tỷ lệ ngao chết từ 5 – 30%, với quy mô diện tích vùng có ngao chêt khoảng 300 ha (trong đó xã Đa Lộc 200ha, xã Hải Lộc 100 ha) với số lượng 156 tấn ngao bị chết của 176 hộ nuôi. Qua kết quả phân tích các chỉ tiêu dịch bệnh mẫu ngao chết cho thấy: Vi khuẩn Vibrio, bệnh Perkinsus đều âm tính.
Đối với chỉ tiêu môi trường nước nuôi ngao: Độ mặn, N-NH3, P-PO42-, H2S và chlorophyll-a đều có giá trị trong khoảng phù hợp cho nuôi thủy sản. Chỉ tiêu N-NO2 có 3/6 mẫu kiểm tra có giá trị cao vượt ngưỡng 1,04 lần, mức vượt ngưỡng rất thấp không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của ngao, không phải là tác nhân gây chết ngao. Chỉ tiêu COD có 6/6 mẫu đều vượt cao hơn giới hạn 1,44-1,96 lần cho thấy có hàm lượng chất hữu cơ cao, có thể do xác ngao chết phân hủy tạo ra, có ảnh hưởng đến sức khỏe của ngao nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây chết ở ngao.
Trung tâm quan trắc môi trường và dịch bệnh thủy sản miền Bắc – Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I kết luận, hiện tượng ngao chết không phải do dịch bệnh, có thể do tác động cộng gộp của một số yếu tố môi trường bất lợi và mật độ nuôi dày.
Hoàng Đức
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Môi trường