Người dân xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chủ yếu làm nông, số ít buôn bán nhỏ, lẻ. Thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xã khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Theo đó, các mô hình nuôi, trồng thủy sản nước ngọt được nông dân trên địa bàn xã thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế.
Thông tin từ UBND xã Long Thạnh, nhận thấy các loài thủy sản nước ngọt ngày càng cạn kiệt; thị trường các loài thủy sản nước ngọt có nhiều biến động, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đều xác định, địa phương có sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nhiều ao, hồ nên thuận lợi cho nuôi, trồng các loài thủy sản nước ngọt. Từ đó, năm 2016, trên địa bàn xã bắt đầu xuất hiện mô hình nuôi thủy sản nước ngọt (cá, lươn, ếch,…) khá hiệu quả.
Anh Cao Phú Khánh thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Long Thạnh (năm 2017) với 7 thành viên, vốn điều lệ 1,4 tỉ đồng, chuyên kinh doanh thủy sản nước ngọt. Sau khi HTX Thủy sản Long Thạnh thành lập, mô hình nuôi, trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn xã không ngừng tăng lên. Diện tích toàn xã đạt gần 20ha mặt nước ao nuôi với các loại cá trê vàng, ếch Thái, cá rô đầu nhím, cá chốt giấy,… mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch trong và ngoài huyện. Người nuôi thủy sản được HTX cung cấp con giống và bao tiêu đầu ra, hướng dẫn cách nuôi theo chuỗi vệ sinh, an toàn thực phẩm do Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh quản lý.
Mô hình nuôi, trồng thủy sản nước ngọt ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả, giúp nhiều thanh niên trên địa bàn xã có việc làm ổn định. Mô hình này còn góp phần thực hiện công tác giảm nghèo của địa phương; thực hiện thành công chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng bộ xã và định hình được vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hướng đến và hoàn thành một số tiêu chí để đến cuối năm 2023 đạt chuẩn xã văn hóa, nông thôn mới theo đúng lộ trình./.
Tấn Mạnh
Nguồn: Báo Long An