Thứ Sáu, 22/09/2023, 16:00

Đi học để chuyên nghiệp hơn

Các học viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp". Ảnh: TÍCH CHU

Họ là những người chuyên sống bằng nghề nuôi tôm hay làm việc ở các vị trí thuộc lĩnh vực nuôi tôm. Nhưng phải sau ngày 14/9 này, khi kết thúc khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp”, các kiến thức, kinh nghiệm từ khóa tập huấn được họ ứng dụng vào thực tế sản xuất, quản lý một cách có hiệu quả, khi đó, họ mới chính thức được công nhận là “Người nuôi tôm chuyên nghiệp”.

Chiều ngày 13/9, tôi may mắn được tham dự buổi lễ trao giấy chứng nhận cho 30 học viên của khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp” thuộc Dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là Đổi mới sáng tạo tôm Mê Kông – MAIC) do Trường Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã và cả Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quách Thị Thanh Bình đều có mặt để động viên tinh thần cho các học viên.

Các học viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp". Ảnh: TÍCH CHU
Các học viên nhận giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn “Người nuôi tôm chuyên nghiệp”. Ảnh: TÍCH CHU

Trong số 30 học viên của khóa tập huấn hầu hết là những gương mặt mà tôi từng quen biết, tiếp xúc và làm việc. Họ là cán bộ phụ trách lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, là người quản lý trang trại, người trực tiếp nuôi tôm, giám đốc hợp tác xã… đã gác lại công việc riêng của mình, để khăn gói từ Sóc Trăng lên Cần Thơ với khát khao được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm mới phục vụ nghề nuôi tôm ngày một hiệu quả và bền vững hơn.

Học viên Phan Thị Bạch Vân đến từ Chi cục Thủy sản Sóc Trăng chia sẻ cảm xúc của mình: “Tuy chỉ có 3 ngày, nhưng chúng tôi được trang bị khá nhiều kiến thức liên quan đến nghề nuôi tôm, giúp chúng tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong nuôi tôm cũng như quản lý nghề nuôi. Chúng tôi sẽ cố gắng trở thành những đại sứ truyền tải kiến thức này đến những người nuôi tôm khác đúng như sự mong mỏi của nhà trường và dự án”.

Theo nội dung được Trường Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ thiết kế, các học viên được truyền đạt tổng cộng 8 chuyên đề, gồm: Nguyên lý nuôi tôm công nghệ cao thân thiện môi trường, an toàn và bền vững; quản lý sức khỏe tôm nuôi; quản lý môi trường trong nuôi tôm; môi trường và biến đổi khí hậu, nguyên lý và thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thủy sản và ngành tôm; chứng nhận trong thủy sản và ngành tôm; kinh tế trang trại, kinh doanh thủy sản, kinh tế tuần hoàn phát triển xanh và bền vững; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ngoài ra, còn được tiếp cận và tham quan Phòng thí nghiệm công nghệ cao và trại thủy sản tại trường, trại nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu…

Trò chuyện với các học viên và giảng viên của trường, ông Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ: “Vấn đề chuyên nghiệp hóa trong nuôi tôm là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh nghề nuôi tôm đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ thời tiết, môi trường, dịch bệnh, thị trường…

Đây cũng là định hướng, là xu thế mới nhằm giúp người nuôi giảm thiểu rủi ro, thành công hơn trong nuôi tôm. Ngoài lớp học này, tỉnh mong muốn có thêm nhiều lớp nữa để người nuôi tôm trong tỉnh có thêm cơ hội tiếp cận kiến thức mới phục vụ cho nghề nuôi một cách chuyên nghiệp hơn, hiệu quả và bền vững hơn”. Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, con tôm đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 1 tỷ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Út – Hiệu trưởng Trường Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ cho biết, kết thúc khóa tập huấn, các học viên trở về địa phương, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, đồng thời chia sẻ với những người nuôi tôm khác để tất cả đều chuyên nghiệp hơn trong nghề nuôi tôm trong thời gian tới. “Riêng Trường Thủy sản sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thêm đối tác, đề tài để ưu tiên nghiên cứu ứng dụng vào nuôi trồng thủy sản của khu vực” – Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Út cho biết thêm.

Chia sẻ về tình hình nuôi tôm của khu vực và cả nước, theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Út, nghề nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng hiện đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đến từ thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cũng như sự biến động khó lường của thị trường nên rất cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ người nuôi, doanh nghiệp cho đến nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước… nhằm tìm ra giải pháp phát triển nghề nuôi một cách bền vững nhất.

Việc trang bị kiến thức cho người nuôi từ lớp tập huấn này nhằm giúp họ chuyên nghiệp hơn cũng chính là một trong những giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu bền vững trên. Đây là những kiến thức, kinh nghiệm nền tảng để các học viên hôm nay có thể ứng dụng vào thực tế giúp tăng hiệu quả và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi.

Những kinh nghiệm và kiến thức được trang bị cho học viên lớp tập huấn này được đánh giá là rất sát với thực tiễn nghề nuôi, giúp cán bộ phụ trách chuyên môn thực hiện tốt hơn công việc liên quan với tư cách là người trực tiếp sản xuất. Riêng hộ đang nuôi tôm hay quản lý hợp tác xã nuôi tôm thì đây là cơ hội để nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng nuôi tôm. Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, sau lớp tập huấn này, sở tiếp tục phối hợp cùng trường mở thêm vài lớp nữa để có thêm nhiều người nuôi tôm được tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm, nền tảng nuôi tôm hiện đại, đưa nghề nuôi tôm Sóc Trăng ngày một chuyên nghiệp hơn, hiệu quả và bền vững hơn.

Tích Chu

Nguồn: Báo Sóc Trăng