Nhờ cải tiến thành công mô hình nuôi lươn không giá thể trong bể xi – măng, công nghệ nước xả tràn, anh Trần Tấn Giang ở ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có doanh thu hơn hai tỷ đồng mỗi năm.
Anh Giang bắt đầu nuôi lươn từ năm 2009 nhưng chưa có kinh nghiệm nên thất bại. Không từ bỏ đam mê, đến năm 2019, anh quyết định xây trại lươn hoàn chỉnh và mua 1 tấn lươn thương phẩm về nuôi với mục đích chọn lọc lươn bố mẹ cho sinh sản nhân tạo, thu trứng ấp nở, ương nuôi lươn bột. Lần này, do thiếu kinh nghiệm trong quản lý chăm sóc nên 1 tấn lươn thương phẩm cũng hao hụt dần. Anh mất trắng 250 triệu đồng.
Lúc này phong trào nuôi lươn ở miền Tây đang phát triển mạnh nên có nhiều cơ sở cung cấp lươn bột. Không chấp nhận thua cuộc, anh lại tìm mối đặt mua 60.000 con lươn bột về ương. Lần này, anh vừa làm vừa học qua bạn bè, xem tài liệu, rút kinh nghiệm rồi cải tiến, áp dụng kỹ thuật mới. Gần một năm kể từ ngày mua lươn bột về ương, anh đã có lươn giống, lươn thương phẩm cung cấp cho khách hàng và chọn được nguồn bố mẹ đạt chất lượng nuôi thành thục sinh dục cho sinh sản nhân tạo.
Nói về kinh nghiệm nuôi lươn không giá thể, anh Giang cho biết, cách nuôi này dễ vệ sinh bể, không phải xịt rửa giá thể nên tiết kiệm nước, dễ theo dõi hoạt động bắt mồi và kiểm soát mầm bệnh trên lươn. Còn công nghệ chảy tràn thì bể nuôi có mực nước thấp, thể tích nước ít, khi chảy tràn tiết kiệm nước mà bể nuôi luôn sạch. Việc nước chảy tràn chỉ thực hiện vào ban đêm, điều chỉnh lượng nước vào ra liên tục trong 12 giờ, tương đương khoảng 200% nước trong bể nuôi, ban ngày thay nước 100% sau mỗi lần cho ăn.
Hiện tại cơ sở của anh có 50 bể nuôi lươn thịt, diện tích mỗi bể 5m2, 20 hồ nuôi lươn bố mẹ có diện tích 25 m2/hồ và 100 khay ấp trứng và ương lươn bột. Hệ thống bể lắng và bể cấp tự chảy đủ cung cấp nước cho toàn trại lươn.
Cơ sở có tổng đàn lươn bố mẹ khoảng 600 kg. Trung bình 20 ngày thu trứng một lần. Trứng sau khi thu được cho vào khay hoặc bình ấp có sục khí oxy. Để trứng đạt tỷ lệ nở cao thì lươn bố mẹ khi thành thục phải đảm bảo mực nước phù hợp, khi lươn làm tổ không được để đất sập che tổ, đảm bảo ánh sáng và âm thanh xung quanh khu vực. Đặc biệt là đàn lươn bố mẹ phải chọn lai xa không cận huyết trước khi đem nuôi thành thục.
Đối với 50 bể nuôi lươn thịt, anh Giang thả nuôi theo hình thức cuốn chiếu. Mỗi tháng thả nuôi 5 bể, mỗi bể thả trung bình 2.000 con lươn giống. Thức ăn cho lươn thịt là cám công nghiệp có độ đạm từ 40% trở lên. Định kỳ bổ sung men tiêu hóa để phòng bệnh đường ruột cho lươn. Sau 10 – 12 tháng, lươn đạt kích cỡ 4 – 5 con/kg là có thể tiêu thụ. Hiện mỗi năm, anh Giang thu hoạch khoảng 20 tấn lươn thịt, với giá bán 110.000 -120.000 đồng/kg, đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Riêng lươn giống (size 500 con/kg) mỗi năm anh cung ứng cho khách hàng trung bình 400.000 con. Với giá bán từ 3.500 – 4.000 đồng/con tùy thời điểm, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 280 triệu đồng.
Anh Giang hiện là Chi Hội trưởng nuôi lươn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với 15 thành viên, cùng nhau hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Anh thường xuyên tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ dân trên địa bàn với mong muốn phong trào nuôi lươn tại địa phương ngày càng phát triển và tạo được việc làm cho nhiều lao động.
Trọng Hoàng
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa – Vũng Tàu