Thời gian qua, bên cạnh việc trồng lúa, nhiều nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ngoài việc trồng lúa, gia đình anh Nguyễn Văn Thuận (ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu) còn nuôi rắn ri voi và có thu nhập khá ổn định. Cách đây 12 năm, anh Thuận bắt được 4 con rắn ri voi ở ngoài đồng và mang về nuôi để sinh sản, đến nay đã gầy dựng được 250 con rắn ri voi giống được nuôi trong 4 bể xi măng, ở đáy có gắn van xả thải nên dễ dàng xử lý thay nước.
Anh Thuận cho biết: “Rắn ri voi dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc. Thông thường, khoảng 2 tuần tôi mới cho rắn ăn một lần và định kỳ thay nước thường xuyên để môi trường nước không bị ô nhiễm. Thức ăn của rắn chủ yếu là các loại thủy sản da trơn, tôi chọn cá trê làm thức ăn cho rắn”.
Anh Thuận chủ yếu cho rắn sinh sản để bán con giống. Mỗi năm, rắn ri voi sinh sản 1 lần, mỗi con rắn cái có thể sinh từ 7-20 con. Sau khi rắn sinh sản, anh Thuận vớt rắn con ra bể nuôi riêng. Sau thời gian chăm sóc từ 1-2 tuần là có thể bán với giá từ 90.000-100.000 đồng/con.
Do mô hình nuôi rắn ri voi này không tốn nhiều diện tích và công chăm sóc, lại mang hiệu quả kinh tế khá cao nên khi có con giống, anh Thuận được nhiều người trong và ngoài huyện tìm đến mua con giống về nuôi. Sau khi trừ chi phí, anh Thuận thu về lợi nhuận trên 60 triệu đồng/năm.
Còn đối với ông Trương Văn Thức (ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu), sau khi tham khảo thực tế mô hình nuôi lươn không bùn của một người quen tại địa phương, nhận thấy mô hình này có hiệu quả nên ông quyết định mua 700 con lươn về để ép giống và xây dựng các bể xi măng để nuôi, mỗi bể có diện tích 6m2.
Nhờ chịu khó học hỏi và tích lũy kinh nghiệm mà đến nay, sau hơn 1 năm, ông Thức đã có trên 10 bể nuôi với trên 30.000 con.
Theo ông Thức, để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, bể nuôi phải bảo đảm thoáng mát. Việc chăm sóc lươn cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, quan trọng nhất là nguồn nước vì lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, do đó, hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho lươn ăn. Thời gian nuôi từ 10-12 tháng, lươn đạt trọng lượng từ 200-300g/con là có thể xuất bán cho thương lái. Với khoảng 1 tấn lươn thương phẩm, ước lợi nhuận đạt trên 50 triệu đồng.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cần cù và chịu khó tìm tòi, học hỏi, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng nói chung, xã Vĩnh Bửu nói riêng đã có những bước tiến quan trọng trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.
Văn Sách – Duy Phước
Nguồn: Báo Long An