Nắng nóng kéo dài, mực nước trên các sông xuống thấp, kèm theo mưa dông vào chiều tối, môi trường thay đổi đột ngột… khiến các loại thủy sản nuôi có nguy cơ chết cao.
Cá kém ăn, lăn ra chết
Khoảng 1 tuần nay, nhiều diện tích nuôi cá lồng tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, cũng là vùng nuôi cá lồng tập trung có số lượng khá lớn của tỉnh Thừa Thiên – Huế, cá có biểu hiện kém ăn, nhiễm bệnh, chủ yếu là các loại bệnh do môi trường.
Theo người dân, nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, cùng với đó, nước từ thượng nguồn đổ về ít khiến biến đổi các yếu tố môi trường sông hồ, làm cá kém ăn, dẫn đến sức đề kháng giảm sút. Do hầu hết diện tích nuôi cá lồng đang trong thời kỳ sinh trưởng, người dân đã đầu tư hàng chục triệu đồng mỗi lồng nên tình trạng trên khiến người dân rất lo lắng.
Gia đình ông Nguyễn Công Tâm (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền) có 5 lồng cá trắm nuôi trên sông Bồ đang trong thời kỳ sinh trưởng. Những ngày gần đây, hàng trăm con cá trắm gần đến thời điểm thu hoạch bỗng dưng kém ăn, một số chết khiến ông Tâm rất lo lắng.
Ông Tâm cho biết, tình trạng cá kém ăn và chết xảy ra sau khi xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 6/2023 đến nay. Không chỉ gia đình ông mà hàng chục lồng cá của các hộ dân xung quanh cũng trong tình trạng tương tự.
Theo ông Nguyễn Bằng ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), nắng nóng đang là vấn đề nan giải đối với các hộ nuôi thủy sản trên vùng đầm phá. Trong các đối tượng nuôi xen ghép, lo ngại nhất là tôm và cá.
Là người có kinh nghiệm nuôi thủy sản hàng chục năm, ông Bằng cho biết, thời điểm này thường xuyên phải kiểm tra bờ, cống ao, tránh rò rỉ mất nước trong ao nuôi. Với những ao nước thấp, không có điều kiện bơm kích nước, có thể thả các loài cây thủy sinh làm chỗ trú nóng cho thủy sản. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, kéo dài như hiện nay, theo ông Bằng, người nuôi cần điều phối lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước.
Theo ghi nhận của Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, tình trạng cá nuôi nhiễm bệnh, chậm lớn trong đợt nắng nóng cực đoan xuất hiện khá phổ biến tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc… Nguy cơ dịch bệnh lan rộng là rất lớn khi dự báo thời tiết sẽ tiếp tục nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao từ 39 – 40 độ C.
Chủ động ứng phó khi hồ chứa ngưng xả nước
Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, bên cạnh tăng cường theo dõi những biến đổi về môi trường, chất lượng nguồn nước, nhiều khuyến cáo về quản lý vùng nuôi trồng thủy sản cũng được các cơ quan chuyên môn đưa ra nhằm giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng gây ra.
Theo đó, đối với thuỷ sản nuôi trong ao nước lợ, mặn, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo người dân cần kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao trên 1,5m để ổn định nhiệt độ nước trong ao nuôi; dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m nhằm hạn chế bức xạ mặt trời, tránh gây sốc cho tôm, cá nuôi.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, thủy sản cần có khẩu phần ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi. Cùng với đó, tăng cường bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng; sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, thời gian mỗi đợt từ 5 – 7 ngày để tăng sức đề kháng.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cũng như giám sát sự phát triển quá mức của tảo và tình trạng của thủy sản nuôi để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường, nhất là vào sáng sớm; hạn chế đánh bắt, san thưa và vận chuyển trong thời tiết nắng nóng, trường hợp cần thiết nên tiến hành vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Đối với thủy sản nuôi lồng trên sông hồ và vùng đầm phá, cần giãn khoảng cách giữa các lồng nuôi, tạo sự thông thoáng và trao đổi nước tốt hơn; sử dụng lưới lan, lá dừa… che bề mặt lồng bè nuôi để chống nóng cho cá nuôi. Giảm mật độ cá nuôi trong lồng, bè nhưng hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào thời điểm nắng nóng trong ngày.
Chuẩn bị sẵn sàng máy và trang thiết bị sục khí, nhiên liệu, viên sủi để cung cấp hàm lượng oxy kịp thời cho cá nuôi trong trường hợp trên sông Bồ, sông Đại Giang, sông Ô Lâu không có dòng chảy do công trình thủy điện, thủy lợi ngưng xả nước trong thời gian dài.
Đối với nuôi thủy sản nước ngọt trong ao, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,5 – 2m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm. Thả 1/3 diện tích bèo tây, bèo tấm… trong ao để tạo bóng mát.
Đối với vùng nuôi hàu tập trung, cần loại bỏ rong rêu, vật bám ở dây treo hàu nuôi, thu gom và xử lý rác thải xung quanh vùng nuôi. Kiểm tra hàu nuôi và loại bỏ hàu chết tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó giảm sự phát triển của vi khuẩn, hạn chế lây nhiễm và ảnh hưởng của vi khuẩn Vibiro. Duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả nuôi hàu với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho hàu phát triển, làm hàu yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh vi khuẩn.
Theo ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, để ứng phó kịp thời với hạn hán, thiếu nước, nắng nóng có nguy cơ ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy sản, Sở đã gửi công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, Thành phố Huế chỉ đạo phòng NN-PTNT, phòng kinh tế và UBND cấp xã có nuôi trồng thủy sản triển khai thực hiện một số biện pháp ứng phó nhằm hạn chế ảnh hưởng do nắng nóng gây ra.
Theo đó, rà soát để bố trí diện tích dự trữ, chứa lắng nước đảm bảo tại các vùng nuôi tập trung; thống kê diện tích thường xuyên bị thiếu nước để có kế hoạch chuyển đổi nuôi các đối tượng, hình thức thích ứng với hạn hán, thiếu nước, nắng nóng hoặc chuyển đổi sang sản xuất khác… nhằm tránh thiệt hại cho người dân.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 – 80%, các đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày liên tiếp dự báo sẽ xẩy ra trên địa bàn tỉnh từ tháng 6 đến đầu tháng 8; nhiệt độ cao nhất khoảng 37 – 39 độ C, có nơi cao hơn, từ 40 – 42 độ C.
Đặc biệt, nguồn nước trên các sông có thể ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25 – 50%. Dung tích trữ nước hiện tại của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đạt 86% và hồ thủy điện chỉ đạt 44% dung tích thiết kế nên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản của một số địa phương. |
Công Điền
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam