Dù đã xây dựng một chuỗi nuôi trồng sản xuất theo chuẩn VietGAP nhưng để đưa cá bống bớp theo hướng chính ngạch vẫn chỉ là giấc mơ của bà con xứ bãi bồi.
Giấc mơ chính ngạch
Cũng như bao hộ nuôi trồng thủy sản khác, ông Nguyễn Văn Sơn – “Vua cá bống bớp”, chủ trại cá bống bớp Sơn Nguyệt (thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) – cũng ngày đêm trăn trở về việc đưa con cá bống bớp “đường đường chính chính” bước qua biên giới theo con đường chính ngạch sau khi xây dựng được chuỗi nuôi trồng theo chuẩn VietGAP.
Theo thông tin từ Hội Nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng, cá bống bớp chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng, còn tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 30%. Cá bống bớp Nghĩa Hưng có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao hơn và kích thước cũng lớn hơn nhiều so với cá đánh bắt trong tự nhiên nên giá thành cao hơn.
“Thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng loại thuỷ sản này nên cá bống bớp chuẩn bị đến kỳ thu hoạch là thương lái Trung Quốc đến tận nơi đặt mua, mình chỉ đi gom của các hộ kiểm tra và đóng hàng thôi”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, cá bống bớp là loại thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, lợi ích kinh tế lớn. Trung bình sản lượng mỗi năm đạt 2.000 – 2.500 tấn, giá xuất sang Trung Quốc là 320.000 đồng/kg, với mỗi ha nuôi cá bống bớp, nông dân lãi khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
“Cá bống bớp Nghĩa Hưng là loài cá nước mặn, to tròn, béo nục có trọng lượng 10-12con/kg, thớ thịt trắng, ngọt và thơm, có giá trị dinh dưỡng cao, lại lành tính, thích hợp với việc bồi bổ cơ thể, phục hồi sinh lực nhưng do giá bán cao hơn các giống cá bống truyền thống nên người dân miền Bắc nói chung và người dân huyện Nghĩa Hưng ít quan tâm sử dụng. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc lại rất ưa chuộng loại cá này, cách đây 25 năm chúng tôi đã xuất bán những tấn cá đầu tiên sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Cho đến giờ hàng xuất đến đâu hết đến đó, cung không đủ cầu”, ông Sơn chia sẻ.
Với đặc tính sinh học của mình, da của cá bống bớp khi được bắt lên tự tiết ra chất nhờn khiến cho loại cá này có khả năng thích nghi với môi trường cao hơn nhiều so với các loài cá khác. Chính vì vậy, chúng không cần phải ướp đá, ướp lạnh mà vẫn có thể vận chuyển tươi sống một cách dễ dàng từ khi được đánh bắt cho đến khi vận chuyển đến nơi chế biến ở tận Trung Quốc, Hồng Kông.
Dù được ưa chuộng, săn đón, nhiều cơ sở liên kết với nhau thành một chuỗi khép kín từ con giống đến đầu ra như cơ sở Sơn Nguyệt và Hội nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng nhưng con đường để xuất khẩu chính ngạch vẫn còn nhiều chông gai.
Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định đã có văn bản đề nghị các đơn vị của Bộ NN-PTNT, báo cáo để xem xét và đề nghị cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc đưa các sản phẩm thủy sản của địa phương này vào danh mục xuất khẩu chính ngạch.
Phản hồi đề nghị này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản phản hồi những đề nghị của tỉnh Nam Định. Theo đó, để các mặt hàng thủy sản nói chung có thể xuất khẩu chính ngạch, cần tuân thủ 3 yêu cầu chính. Gồm: sản phẩm phải được sản xuất tại cơ sở sơ chế, chế biến nằm trong danh sách xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Bao gói, ghi nhãn phải có đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm cũng phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.
Mặt khác, hiện Bộ NN- PTNT vẫn đang tiến hành rà soát, tổng hợp và đề xuất danh mục sản phẩm cũng như các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản được phép xuất khẩu chính ngạch quá các cặp cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản của Nam Định cần phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Theo Đông y, cá bớp vị ngọt, tính bình, tác dụng kiện tỳ, ích khí, hòa vị, bổ can thận, cường kiện gân cốt, thông huyết mạch, lợi thủy, an thai. Có thể hỗ trợ chữa yếu sinh lý, dương vật mềm yếu. Phép trị bổ can thận, ích khí, sinh huyết. Chữa ăn ngủ kém, mệt mỏi, bổ khí huyết, dưỡng tỳ, ích tạng phủ. Chữa đau tức ngực, hông sườn: Phép trị bổ khí huyết, thông ứ kết, ấm tỳ thận. |
Trăn trở vùng nuôi
Năm 2019 đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng diện tích nuôi trồng bởi dịch bệnh. Theo thông tin từ Hội Nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng, nguyên nhân là bởi người dân vẫn sản xuất manh mún theo phương thức truyền thống với nhiều bất cập.
Cá bống bớp vẫn được cho ăn bằng thức ăn tươi là những loại cá nghiền. Trong khi, hệ thống ao nuôi không được cải tạo, không có hệ thống lấy nước tuần hoàn. Ao nuôi của các hộ gần như sử dụng nước đầu vào, ra chung nhau. Nên khi ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh là cả vùng nuôi lãnh trọn hậu quả.
Theo ông Lê Văn Tuẩn – Chủ tịch Hội Nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng, nguyên nhân chính vẫn là quy hoạch. Khi vào thời điểm trên cả vùng nuôi chưa có quy hoạch cụ thể, nhiều hộ nuôi tự phát nhỏ lẻ, mạnh ai người đấy làm nên nhà nào trúng thì lãi đậm mà nhà dính dịch bệnh thì thua lỗ, thậm chí bán nhà trả nợ.
Tuy nhiên, theo ông Tuẩn, thời điểm thị trường chững lại do dịch bệnh đã khiến bà con nhìn nhận và rút ra bài học rất nhiều từ việc nuôi cá bống bớp nói riêng và nuôi trồng thủy hải sản nói chung. Nhiều hộ dân ở khu vực Cồn Xanh – khu nuôi trồng chủ lực cá bống bớp đã đầu tư, bỏ công sức để đắp đập, be bờ tạo hê thống nước tuần hoàn, đầu ra vào riêng biệt.
Mặt khác, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp các địa phương triển khai 21 dự án khuyến ngư. Trong đó, triển khai dư án xây dựng một số mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp. Dự án không chỉ đem lại hiệu quả cả về mặt sản lượng, giảm thiểu phát sinh dịch bệnh bởi thức ăn tự nhiên, tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp bà con nâng cao trình độ canh tác, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa.
Với kết quả rất tích cực, khi tỷ lệ sống trung bình của cá bống bớp nuôi bằng thức ăn công nghiệp đạt 81%, cao hơn 1,25% so với yêu cầu. Kích cỡ cá thu hoạch đạt 90,2 gam/con, cao hơn 0,2 gam/con so với yêu cầu; năng suất trung bình đạt 7,3 tấn/ha, cao hơn 0,1 tấn/ha so với yêu cầu. Mô hình được đông đảo người nuôi trong vùng hưởng ứng đến tham quan, học tập và nhân rộng.
Tuy nhiên đến nay, với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định cũng đang khiến nhiều hộ nuôi trồng cá bống bớp nói riêng và nuôi trồng thủy hải sản nói riêng vô cùng trăn trở. Khi vùng nuôi đang dần được định hình thì lại ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho định hướng phát triển công nghiệp nặng.
Theo ông Sơn, trước đây khu vực nuôi trồng cá bống bớp chủ lực ở khu vực Ô Đông và Cồn Xanh của xã Nam Điền. Tuy nhiên, khu vực Ô Đông sau đó đã phải nhường chỗ cho khu công nghiệp Rạng Đông nên toàn bộ vùng nuôi chủ lực chỉ còn lại Cồn Xanh. Nay khu vực này lại sắp phải nhường chỗ cho Dự án Thép Xanh Xuân Thiện.
Do đó, ông Sơn cũng như nhiều hộ nuôi trồng thủy hải sản tại khu vực ven biển Nghĩa Hưng mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để được quy hoạch vùng nuôi phù hợp do đất tại khu vực giữa cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy có chất đá vôi rất phù hợp cho việc phát triển nuôi trồng thủy hải sản nói chung cũng như cá bống bớp Nghĩa Hưng.
Ngày 15/4/2016, Bộ NN-PTNT chính thức công bố 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm. Trong đó, Hội Nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng gồm các hộ nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng tham gia liên kết chuỗi và Cơ sở thu mua thủy sản Sơn Nguyệt (thị trấn Rạng Đông – Nghĩa Hưng – Nam Định) đã được công nhận là một “Địa chỉ xanh, nông sản sạch” trên cả nước. |
Kiên Trung – Huy Bình – Phạm Huy
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam