Mô hình nuôi tôm công nghệ cao (CNC) theo hướng an toàn, sạch bệnh, giúp truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh của ông Phạm Đình Chương (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) mở ra triển vọng cho con tôm trên vùng cát
Quy trình công nghệ chuẩn
Có 20 năm gắn bó với con tôm, nhất là giống tôm thẻ chân trắng, ông Phạm Đình Chương không ngừng tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật cải thiện nguồn nước, phòng trừ dịch bệnh cho con tôm.
Thực tế những năm qua, dịch bệnh trên con tôm khó kiểm soát, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, một phần do môi trường nước vùng nuôi tôm ô nhiễm trước tình trạng nuôi tôm tự phát, manh mún. Từ sự tư vấn của Công ty CP, ông Chương vào miền Tây học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi tôm CNC.
Ông chia sẻ: “Đã nhiều lần học hỏi, áp dụng các quy trình cải tiến kỹ thuật nuôi, ao nuôi nhưng đây là lần cải thiện mà tôi thấy tự tin nhất. Mô hình nuôi tôm CNC với quy trình, kỹ thuật nuôi, hệ thống thiết bị, máy móc vận hành tự động rất tiện ích”.
Năm 2020, ông Chương và cộng sự đầu tư 6 tỷ đồng cải tạo toàn bộ hệ thống ao nuôi, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Trên diện tích 3ha của trại tôm, ông Chương dành 1/3 diện tích đầu tư kiện toàn hệ thống xử lý nước đầu vào và đầu ra.
Theo đó, nước sông hút vào đi qua mương lắng, bể lắng 1, 2, 3, được xử lý phèn, các yếu tố vi sinh, lọc hữu cơ, loại bỏ các vật chủ trung gian. Nước nuôi tôm được lấy từ bể lắng số 4, đã sạch 99% mới đưa vào nuôi. Đồng thời kè lại đoạn sông sát khu vực âu thuyền Hồng Triều để bảo vệ trại tôm.
“Môi trường nước trong nuôi tôm phải đảm bảo và là yếu tố quyết định. Không phải cứ CNC là thành công, mà phải hội tụ nhiều yếu tố. Quan trọng là khâu xử lý nước trước, trong và sau khi nuôi. Nếu xử lý tốt nguồn nước đầu vào sẽ giúp kiểm soát được dịch bệnh trên con tôm, nhất là bệnh phân trắng, bệnh gan” – ông Chương nói.
Toàn bộ hệ thống xử lý nước, cho ăn, sục khí, làm sạch môi trường nước, xử lý chất thải trong ao đều theo quy trình tự động. Hệ thống camera giám sát toàn bộ quá trình nuôi, chăm sóc, cho ăn, kỹ thuật phòng bệnh, đánh thuốc bổ cho con tôm…
Trại tôm ông Chương có 9 ao nuôi bằng sắt, thiết kế dạng hình tròn, lót bạt. Trong đó có 1 ao tôm giống diện tích 400m2, 4 ao nuôi tôm 4 giai đoạn, 4 ao nuôi tôm thương phẩm tới xuất bán có diện tích 800m2/ao.
“Con tôm không ở mỗi ao quá 20 ngày, việc này giúp khai thác ao nuôi hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, lại có thể nuôi nhiều lứa trong năm (7 lứa), trong khi ao nuôi truyền thống chỉ nuôi 2 – 3 lứa/năm” – ông Chương nói.
Tôm con được thả nuôi trong ao nhỏ với mật độ 3.000 con/m2 và nuôi được 20 ngày bắt đầu chuyển sang ao thứ 2 với mật độ 800 con/m2. Ở ao nuôi giai đoạn 3, khoảng 1,5 tháng, ao nuôi có mật độ 400 con/m2, rồi 200 con/m2 và giai đoạn 4 là 80 – 100 con/m2 tới thời điểm xuất bán.
Cần nhân rộng
Mô hình nuôi tôm CNC giúp kiểm soát được các khâu nuôi, cho ra con tôm an toàn, sạch bệnh. Việc kiểm soát chất lượng tôm bằng vi sinh không sử dụng chất kháng sinh là hướng đi bền vững trong nghề nuôi tôm. Mô hình còn giúp người nuôi đảm bảo về truy xuất nguồn gốc con tôm, làm chủ quy trình công nghệ nuôi theo tiêu chuẩn tôm sạch để có thể xuất khẩu…
Trại tôm ông Chương đã xuất bán thí điểm lứa tôm đầu tiên 17,5 tấn và dự kiến xuất bán lứa thứ 2, tầm 25 tấn tôm thương phẩm. Mỗi lứa từ khi thả nuôi tới 80 – 96 ngày là xuất bán, đạt trọng lượng 30 – 35 con/kg. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá tôm giảm còn 145 – 150 nghìn đồng/kg (thường là 180 nghìn đồng/kg). Ông Chương dự kiến sẽ đầu tư thêm một khu nuôi tôm CNC tại khu vực lân cận tại xã Duy Nghĩa.
“Tuy đây là mô hình đã được áp dụng rộng rãi ở các tỉnh thành, song tại Quảng Nam, chỉ mới manh nha một vài nơi. Thiết nghĩ cần nhân rộng để giúp người nuôi chủ động công nghệ, kỹ thuật, thị trường, đầu ra, tạo con tôm sạch, dễ dàng xuất khẩu. Nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đất đai hạn hẹp, ô nhiễm môi trường nước, không khí ngày càng nghiêm trọng” – ông Phạm Đình Chương nói.
Hoàng Liên
Nguồn: Báo Quảng Nam