Thứ Hai, 30/10/2023, 11:00

Loài cá đặc sản mùa nước nổi của người dân miền Tây

Cá linh là đặc sản mùa nước nổi của người dân miền Tây

Vào mùa nước nổi, người dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đều rất phấn khởi bởi con nước này không chỉ đem đến phù sa mà còn mang lại một loài cá với tên gọi đặc biệt: Cá linh.

Cá linh là đặc sản mùa nước nổi của người dân miền Tây
Cá linh là đặc sản mùa nước nổi của người dân miền Tây

Hiện nay, khi nhắc đến Tây nam bộ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một vùng đất hết sức “giàu có” về đặc sản, nhất là vào các mùa nước nổi. Trong số đó, cá linh là một trong những món ăn nhất định không nên bỏ lỡ khi ghé thăm nơi đây.

Cá linh có hai loại chủ yếu là cá linh tự nhiên gồm có: Cá linh ống, cá linh rìa và cá linh nhân tạo. Dù vậy, phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng cá linh tự nhiên hơn dù cách biệt về giá của cả hai loại lên đến vài chục nghìn đồng.

Hằng năm, vào mùa lũ về thì cá linh sẽ đi theo đàn xuôi theo con nước tìm nơi đẻ trứng. Trong quá trình này, thức ăn chủ yếu của cá linh thường là rong rêu ngầm. Cụ thể, cá linh thường xuất hiện vào tháng 6, tháng 7 âm lịch khi nước từ thượng nguồn sông Mê Kông tràn về miền Tây. Theo thông tin từ ông Trần Anh Dũng – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang thì năm nay cá linh xuất hiện trong tháng 7 âm lịch, tức trễ hơn năm ngoái nửa tháng.

Ít người biết rằng trước khi cá linh trở thành “đặc sản của đặc sản” ở miền Tây thì trong quá khứ, cụ thể là vào khoảng 20-30 năm trước, cá linh từng bị coi như một thực phẩm “rẻ như bèo”. Tuy nhiên, càng về sau thì loài cá này càng bị đánh bắt nhiều hơn cũng như do những sự biến đổi của khí hậu, thời tiết mà cá linh bắt đầu trở nên hiếm hoi hơn.

Từ đó, giá của cá linh ngày càng “leo thang”. Tại các khu chợ như: Đồng Tháp, An Giang,… cá linh có giá khoảng 200.000 đồng/kg loại chưa được làm sạch, còn loại đã được làm sạch sẽ có giá dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại và tùy khu vực.

Đặc sản miền Tây mà bạn nhất định phải thử. Ảnh: thanhnien.vn
Đặc sản miền Tây mà bạn nhất định phải thử. Ảnh: thanhnien.vn

Ở vào đầu mùa nước nổi, cá linh khá nhỏ, kích cỡ chỉ khoảng bằng đầu đũa ăn cơm. Thông thường, giai đoạn chớm lũ sẽ xảy ra tình trạng đánh bắt “quá tay” do nhiều người cho rằng thời điểm này thưởng thức cá linh non là ngon nhất bởi do chúng còn nhỏ nên thịt béo, thơm, còn xương thì rất mềm. Cũng từ lý do này mà giá bán cá linh đầu mùa bao giờ cũng cao hơn khi vào mùa hoặc ở cuối mùa nước nổi.

Cá linh non lớn rất nhanh, khi trưởng thành có thể to hơn một ngón tay. Cá linh non ở đầu mùa thường được dùng để chế biến rất nhiều món ăn như: Cá linh kho tiêu, cá linh nấu canh chua, cá linh nhúng giấm,… Còn khi cá linh đạt kích cỡ lớn hơn thì chủ yếu được dùng để làm mắm hay làm nước mắm.

Những năm trở lại đây, khi cá linh trở thành đặc sản mùa nước nổi ở miền Tây, loại cá này đã bị đánh bắt đến mức đang phải đối diện với nguy cơ tận diệt. Thế nên, hiện nay để đảm bảo giữ vững giá trị kinh tế của loài cá này cũng như không gây ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của những loại thủy sản tự nhiên khác, các cơ quan chức năng đã đưa ra những quy định hạn chế đánh bắt vào đầu mùa nước nổi.

Bởi ở thời điểm này, cá linh còn chưa kịp sinh sản, nếu khai thác cá linh lúc này chẳng khác nào vô tình triệt tiêu tận gốc loài cá đang khan hiếm này.

Bên cạnh đó, để có thể bảo toàn được lượng cá linh đạt đến giai đoạn sinh sản, chúng ta cũng cần rà soát lại việc sử dụng loại ngư cụ dùng để đánh bắt cá linh.

Đặc biệt, tại Đồng Tháp hiện nay cũng đã triển khai mô hình thả nuôi cá linh cùng tôm càng xanh. Như vậy, người dân vừa có thể tận dụng những ao nuôi bỏ hoang, vừa giảm thiểu chi phí thức ăn mà còn thu được lợi nhuận cao bởi mô hình này đang được định hướng phát triển theo hướng hữu cơ.

Nguyệt Hoa
Nguồn: tepbac.com