Thứ Hai, 5/07/2021, 14:14

Đặc điểm sinh sản cá khế vằn

Hình thái ngoài cá khế vằn
Hình thái ngoài cá khế vằn

Cá khế vằn là một trong những đối tượng nuôi mới hiện nay vừa có giá trị kinh tế tiềm năng phát triển vừa phù hợp với đặc điểm môi trường sinh thái của Việt Nam.

Cá khế vằn có tên khoa học là Gnathanodon speciosus (Forskal, 1775) là loài cá biển lớn, có giá trị kinh tế cao, thịt trắng, thơm ngon, là đối tượng nuôi rất mới và nhiều tiềm năng phát triển ở vùng biển ấm như khu vực Nam Trung Bộ, Đông và Tây Nam Bộ. Cá khế vằn sinh trưởng nhanh, dễ nuôi vì có tính ăn tạp, nguồn thức ăn dễ tìm và nuôi được ở thủy vực nước lợ. Đặc biệt, cá sống thành bầy đàn, ăn nổi nên dễ quan sát, quản lý môi trường và phòng trị bệnh.

Trước đây, cá khế vằn được nuôi rải rác ở Khánh Hòa và cho hiệu quả kinh tế cao, có thể thay thế một số đối tượng nuôi truyền thống.Việc thử nghiệm sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn đã tạo tiền đề rất lớn trong việc mở rộng quy mô nghề nuôi, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi cho nghề nuôi trồng thủy sản.

Việc nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản cá khế vằn cung cấp thêm thông tin về mùa vụ sinh sản, quá trình phát triển tuyến sinh dục, cũng như những thay đổi về nội tiết sinh sản, biến động về hàm lượng các hormone sinh dục trong chu kỳ sinh sản,..  sẽ hỗ trợ tốt cho việc sản xuất con giống hiệu quả, mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nghề nuôi cá biển.

Hệ số thành thục (GSI) là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ chín muồi của tuyến sinh dục, khối lượng tuyến sinh dục là một trong những thông số cho biết mức độ chín muồi của sản phẩm sinh dục. Qua đó có thể dự báo và theo dõi quá trình phát triển và chín muồi của các tế bào sinh dục. Trong sinh sản nhân tạo các loài cá, GSI có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ nhằm tăng năng suất sinh sản.

Theo nghiên cứu chỉ số GSI ở cá khế vằn cái đạt cực đại vào tháng 6/2018 (3,05 ± 0,64 %), sau đó giảm dần ở các tháng tiếp theo và đạt cực tiểu vào tháng 12/2018 (0,85 ± 0,59 %). Sau tháng 12/2018, chỉ số GSI bắt đầu tăng trở lại theo chu kỳ.

GSI có hai đỉnh cao vào tháng 3 (1,61 ± 0,37 % ở tháng 3/2018 và có giá trị 2,35 ± 1,25 % ở tháng 3/2019) và tháng 6 (3,05 ± 0,64 %) trong năm nhưng xét về mặt thống kê thì giá trị GSI vào tháng 3/2018 và 3/2019 không có sự khác biệt so với giá trị GSI ở các tháng 5/2018 và tháng 9/2018. Các tháng đều bắt gặp các cá thể cái đã thành thục (buồng trứng ở giai đoạn IV).

Giá trị GSI trung bình của cá đực trong quá trình nghiên cứu dao động từ

0,4% ±  0,3 % đến 3,2% ±  0,58%. Giá trị GSI ở tháng 3 và tháng 5 tương đương nhau (1,25%). Sang tháng 6, GSI bắt đầu tăng và đạt giá trị cực đại vào tháng 9 khi toàn bộ cá đực đều có tinh sào giai đoạn IV, giai đoạn tinh sào đạt kích thước tối đa. GSI đạt giá trị cực đại (3,2%) sau đó giảm mạnh vào tháng 12 rồi tăng nhẹ vào tháng 3/2019 và tiếp tục giảm và có giá trị nhỏ nhất vào tháng 4/2019 (0,4%).

Cá khế vằn là loài sinh sản quanh năm và mùa vụ sinh sản chính là từ tháng 3 đến tháng 10 trong năm.

Sự khác biệt về vùng địa lý, dẫn đến sự khác biệt về khí hậu, nhiệt độ, chu kì chiếu sáng, sẽ dẫn đến sự khác biệt về mùa vụ sinh sản. Thời kỳ sinh sản của cá khế vằn ở Thái Bình Dương là cuối tháng 2 đến đầu tháng 10 với cực đại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 9. Trong khi đó, ở Ấn Độ Dương cá sinh sản vào tháng 4 và tháng 5.

Sức sinh sản tuyệt đối (AF) của cá khế vằn Gnathanodon speciosus từ 49.189 – 181.280 trứng, trung bình đạt 121.174 ± 66.842 trứng. Sức sinh sản tương đối (RF) của cá khế vằn trung bình đạt 107.607 ± 49.916 trứng/kg cá cái.

Noãn sào và tinh sào cá khế vằn ở các giai đoạn phát triển

  • H: Buồng trứng ở giai đoạn II; K: Các hạt trứng bên trong buồng trứng ở giai đoạn IV.
  • A: Giai đoạn II; B: Giai đoạn III; C: Giai đoạn IV; D: Giai đoạn V

Trên đàn cá nghiên cứu tuyến sinh dục, buồng trứng ở giai đoạn I không tồn tại, đây là giai đoạn chỉ tồn tại một lần trong đời, chưa sinh sản lần đầu. Buồng trứng ở giai đoạn V không được bắt gặp trên các lần thu mẫu vì có thể cá thể cái đã sinh sản và buồng trứng đã trở về giai đoạn II hoặc III, IV.

Giai đoạn II: Buồng trứng vẫn còn trong suốt, có một mạch máu lớn và những nhánh nhỏ xung quanh. Nhìn mắt thường không thể thấy được những hạt trứng vì chúng gần như không màu, buồng trứng có màu sắc nhạt, thể tích nhỏ.

Giai đoạn III hoặc IV: buồng trứng có màu sắc đậm, mạch máu phát triển, thể tích và khối lượng tăng lên đáng kể, các hạt trứng đã to dần và rời ra có thể quan sất bằng mắt thường điều này cho thấy buồng trứng đã sẵn sàng cho quá trình sinh sản.

Quá trình phát triển và thành thục, chín muồi và phóng thích tế bào sinh dục đực trong chu kì sinh sản của cá khế vằn tương đồng với các loài cá biển nhiệt đới nói chung như cá chẽm mõm nhọn, cá dìa,…

Giai đoạn I: nhìn bên ngoài, tinh sào là những dải mỏng giống noãn sào ở giai đoạn I, chính vì thế rất khó để phân biệt đực cái.

Giai đoạn II: Tinh sào có kích thước rất nhỏ, hai phần của tinh sào còn dính nhau bởi màng treo dài. Tinh sào có màu hồng là màu của các mạch máu chạy dọc và có những tia nhỏ chạy về các lườn bên.

Giai đoạn III: Tinh sào tăng lên về mặt thể tích, hai phần tinh sào đã tách ra. Tinh sào có màu trắng, săn chắc và đàn hồi. Khi cắt ngang tinh sào, các mép của nó không tròn mà lại sắc cạnh và thấy xuất hiện sẹ có màu trắng trong (trắng sữa, chứa đầy sẹ. Khi cắt ngang tinh sào, các mép tròn lại ngay và chổ cắt có dịch nhờn chảy ra. Ở giai đoạn này, tinh trùng chín xuất hiện trong các bào nang và có xu hướng đi ra khỏi bào nang. Các tinh nguyên bào lớn đang phân chia giảm nhiễm. Ngoài ra, trong tinh sào còn có các tinh bào sơ cấp, tinh bào thứ cấp và các tinh tử nằm trên thành các ống sinh tinh dự trữ cho lần phát dục

Giai đoạn V: Tinh sào đang ở thời kì sinh sản. Tinh sào có màu trắng sữa. Bên trong ống sinh tinh chứa đầy các tế bào tinh trùng chín muồi . Tuy nhiên, cá khế vằn không như nhiều loài cá khác. Khi tinh sào ở giai đoạn V, vuốt vào bụng cá không có hiện tượng tinh dịch chảy ra. Vì thế, ở giai đoạn thành thục sinh dục nhìn từ bên ngoài rất khó để phân biệt được cá khế vằn đực và cá khế vằn cái.

Trong sinh sản nhân tạo giống hay trong nghiên cứu thực địa, việc đánh giá chính xác mức độ thành thục sinh dục của cá có ý nghĩa quan trọng, giúp nâng cao tỷ lệ đẻ và tỷ lệ thụ tinh.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Thị Toàn Thư (2019). Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của cá khế vằn cái Gnathanodon speciosus (Forskal, 1775) nuôi tại Khánh Hòa, Luận văn thạc sĩ trường Đại học Nha Trang.

[2] Hứa Thị Ngọc Dung, Đào Thị Đoan Trang, Phạm Quốc Hùng (2020). Nghiên cứu đặc điểm sinh học tinh sào cá khế vằn Gnathanodon speciosus, Tạp chí Khoa học – Công nghệ Thủy sản số 2/2020.

Đinh Nhung

Nguồn: Tepbac

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận