Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ cá hồi chững lại, người nuôi cá nước lạnh xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) đã thay đổi cơ cấu giống theo hướng tập trung nuôi cá tầm. Đây được xem là giải pháp tình thế phù hợp, tuy nhiên không phải không có những lo ngại về đầu ra khi sản lượng cá tầm tăng nhanh so với nhu cầu.
Xã Liên Minh là một trong những “vựa” nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa. Với nghề nuôi cá nước lạnh, người dân đã khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước, khí hậu của địa phương, từ đó tạo ra các mô hình cho thu nhập cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Mặc dù chưa đạt quy mô và sản lượng lớn như ở khu vực xã Ngũ Chỉ Sơn, Ô Quý Hồ hay Tả Van nhưng chất lượng cá hồi, cá tầm ở Liên Minh cũng không hề thua kém.
Thời điểm chưa có dịch Covid-19, lượng khách du lịch đông, thị trường tiêu thụ cá nước lạnh dồi dào, nhiều người ở Liên Minh đã vay vốn đầu tư bể cá và có được nguồn thu lớn. Trong 2 năm gần đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường bấp bênh, giá cá hồi sụt giảm khiến không ít hộ nuôi cá nước lạnh lao đao. Những hộ đã đầu tư vốn lớn vào xây bể cá loay hoay trước 2 lựa chọn: Không duy trì bể cá thì lãng phí đầu tư, còn nuôi tiếp thì cầm chắc thua lỗ nếu đầu ra không cải thiện. Do vậy, người nuôi đã chọn cách thay đổi cơ cấu giống để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Theo đó, các cơ sở tăng lượng cá tầm, giảm cá hồi trong cơ cấu giống nuôi.
Trại cá hồi của ông Nguyễn Thái Bình tại thôn Nậm Cang 1 là cơ sở nuôi lớn nhất xã Liên Minh. Ông Bình cũng là một trong những người đầu tiên chuyển đổi cơ cấu từ tập trung nuôi cá hồi sang nuôi cá tầm. Ông Bình cho biết: Nuôi cá tầm thời điểm này rất thuận lợi bởi giá bán khá cao, trung bình 180.000 đồng/kg, tương đương giá cá hồi ở thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Hơn nữa, ưu điểm của nuôi cá tầm là có thể kéo dài thời gian nuôi, trọng lượng cá càng lớn thì càng được giá. Trong khi đó, cá hồi đến thời điểm có trứng bắt buộc phải xuất bán, nếu không chúng đẻ trứng xong sẽ chết.
Ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Xã hiện có 11 cơ sở nuôi cá nước lạnh, hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở lớn nhất nuôi khoảng 10 nghìn con, còn lại chủ yếu nuôi khoảng 4.000 – 5.000 con. Trước đây, giá cá hồi dao động khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg nhưng từ khi có dịch Covid-19, giá cá hồi sụt giảm mạnh, chỉ còn 130.000 đồng/kg. Mặc dù giá xuống thấp nhưng giá thức ăn lại có chiều hướng tăng, vì vậy người nuôi cầm chắc thua lỗ. Trước tình hình đó, các cơ sở nuôi trên địa bàn đã dần chuyển sang nuôi cá tầm. Trước đây, lượng cá tầm chỉ chiếm 10% trong các cơ sở nuôi thì nay chiếm đến 90%. Thời gian nuôi cá tầm dài hơn nên người dân không phải thấp thỏm tìm đầu ra.
Các cơ sở nuôi cá nước lạnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cho thấy sự nhanh nhạy của người dân với thị trường và tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, cùng lúc nhiều cơ sở tập trung nuôi cá tầm dẫn đến sản lượng cá tầm tăng nhanh, không tránh khỏi cung vượt quá cầu. Ông Nguyễn Thái Bình cho biết: Nếu tình hình nuôi cá diễn ra như hiện nay thì hơn 1 năm sau, khi đạt trọng lượng có thể xuất bán, sản lượng cá tầm trên địa bàn sẽ lớn, khả năng cao bị tư thương ép giá. Mặt khác, nếu thời điểm đó dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cá tầm từ nhiều nơi cũng đổ về Sa Pa sẽ ảnh hưởng đến giá bán cá tầm. Điều người dân cần lúc này là cơ quan chức năng có thông tin và định hướng nuôi cho người dân để tăng hoặc giảm sản lượng phù hợp, tránh thiệt hại về sau.
Mạnh Dũng
Báo Lào Cai