Theo Tổng cục Thủy sản, dịch bệnh kéo dài làm chuỗi ngành hàng cá tra đứt gãy nghiêm trọng. Thống kê 56 nhà máy chế biến cá tra có 52 nhà máy ngừng hoạt động, số còn lại hoạt động rất ít…
Tại hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25-9, bà Tô Tường Lan – phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN – đề xuất cần có bộ quy tắc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản để làm “kim chỉ nam” trong thực hiện phục hồi sản xuất.
Theo đó, bộ quy tắc này cần có những quy định thống nhất về xét nghiệm, tiếp nhận lao động trở lại DN, ứng phó với sự cố khi có ca F0 hay công nhân đã tiêm vắc xin mũi 1 hay mũi 2 thì sẽ ra sao…
“Do chưa có bộ quy tắc thống nhất, mỗi địa phương ở ĐBSCL có chủ trương chống dịch khác nhau, thiếu sự phối hợp đồng bộ đã gây rất nhiều khó khăn cho DN trong vận chuyển nguyên liệu, thu hoạch và vận chuyển cá tra giống, cá tra nguyên liệu”, bà Lan nói.
Tương tự, ông Dương Nghĩa Quốc – chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN – cũng cho rằng các địa phương không áp dụng thống nhất các quy định của trung ương mà mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn và cản trở cho hoạt động của DN.
Do đó, cần có quy định cụ thể và hướng dẫn rõ để các địa phương và DN thực hiện. Ngoài ra, theo ông Quốc, dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều thông tư yêu cầu giảm lãi suất nhằm hỗ trợ DN nhưng thực tế nhiều DN chưa được giảm lãi suất, một số chỉ được giảm 0,5 – 1% lãi suất.
“Ngân hàng Nhà nước nên kiểm tra, giám sát và xem xét giảm lãi suất tới 2% mới giúp DN vượt qua giai đoạn hiện nay”, ông Quốc đề xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho rằng các địa phương cần có chính sách đồng bộ trong hoạt động phòng chống dịch, đặc biệt trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có sản phẩm cá tra.
Cũng theo ông Sơn, Bộ Y tế đang chuẩn bị phương án cho DN tự xét nghiệm cho công nhân và sẽ có hướng dẫn, tập huấn cũng như tổ chức kiểm tra, giám sát.