(Aquaculture.vn) – Sự ủng hộ và thành công của người nuôi tôm trong và ngoài nước chính là động lực giúp Tập đoàn Thăng Long tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 15% trong giai đoạn khó khăn năm 2023. |
Trong những năm gần đây, người nuôi tôm đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn, phải đối mặt với nhiều thách thức về dịch bệnh và giá tôm nguyên liệu ở mức thấp; năm 2021 – 2023 là khoảng thời gian mà người nuôi phải đối mặt với những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. So với lúc mới bắt đầu, nghề nuôi tôm ngày càng khó khăn hơn do số lượng các bệnh mới xuất hiện ngày càng tăng và sự bùng phát của các bệnh như AHPND (Hoại tử gan tụy cấp), EHP (Enterocytozoon hepatopanei), WFS (Hội chứng phân trắng), TPD (Hậu ấu trùng tôm thân thuỷ tinh) cũng như những thách thức liên quan đến ô nhiễm môi trường ngày một phức tạp hơn. Để đối mặt với những khó khăn đó đòi hỏi nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh và người nuôi tôm phải tìm ra những giải pháp để thích ứng, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ thành công, giảm giá thành sản xuất và có thể áp dụng cho nhiều đối tượng người nuôi tôm.
Để đạt được mục tiêu trên cần làm tốt các điểm: Lựa chọn con giống thích ứng, duy trì chất lượng nước tốt, theo dõi sức khỏe của tôm, cung cấp dinh dưỡng và thức ăn phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của tôm. Thấu hiểu sâu sắc được vấn đề cốt lõi của nghề nuôi tôm công nghiệp, Tập đoàn Thăng Long đã không ngừng tìm hiểu, phân tích, đầu tư cải tiến chất lượng sản phẩm và quy trình kỹ thuật, năm 2020 cho ra mắt mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao TLSS (Thang Long Smart System); tiếp nối sự thành công của mô hình TLSS, đến năm 2023 Tập đoàn tiếp tục giới thiệu và đưa ra áp dụng đại trà trên thị trường mô hình nuôi tôm trên ao đất cải tiến TLSS-547. Tất cả các mô hình do Tập đoàn Thăng Long phát triển đều là sự kết hợp tối ưu giữa Con giống – Thức ăn – Chế phẩm sinh học – Kỹ thuật.
TLSS (Thang Long Smart System) là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều giai đoạn với phương thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh được thực hiện trên ao bạt. Mô hình này được Tập đoàn Thăng Long nghiên cứu và thử nghiệm tại hàng loạt các trại thực nghiệm tại Tiền Giang, Sóc Trăng, Ninh Thuận. Cuối năm 2020, mô hình lần đầu tiên được giới thiệu và đưa tới khách hàng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để khuyến khích người nuôi tôm áp dụng mô hình, đồng thời khẳng định tính ưu việt của mô hình TLSS, kể từ năm 2021 – 2023 mỗi năm Tập đoàn Thăng Long đầu tư hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng cho khách hàng triển khai mô hình. Từ những “hạt nhân” ban đầu, đến nay đã có rất nhiều khách hàng trong cả nước áp dụng thành công mô hình nuôi tôm TLSS.
Theo số liệu thống kê của bộ phận kỹ thuật Tập đoàn cho thấy, tỷ lệ thành công trung bình qua các năm của các hộ nuôi áp dụng quy trình mới đạt 78%, trong đó các hộ nuôi thu hoạch đạt kích cỡ từ 40 con/kg về size lớn chiếm tỷ lệ 52%. Qua mỗi năm, số hộ nuôi áp dụng TLSS ngày càng được mở rộng, tỷ lệ thành công ngày càng cao và kích cỡ tôm sau thu hoạch cũng đạt trọng lượng lớn hơn. Cụ thể, trong năm 2023 tỷ lệ mô hình nuôi tôm đạt size 15-19 con/kg đạt 8%, 20-29 con/ kg đạt 13%, điều này đồng nghĩa với hiệu quả lợi nhuận cũng được nâng cao hơn. Tiêu biểu, anh Trần Thái Nguyên (Bạc Liêu) nuôi tôm đạt size 16,4 con/kg, sản lượng 29,1 tấn, lợi nhuận hơn 2,4 tỷ đồng. Anh Lê Văn Trung (Bến Tre) tôm đạt size 17-19 con/kg, sản lượng 18,4 tấn, lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng… Mô hình nuôi TLSS thực sự đang làm thay đổi hiện trạng nghề nuôi tôm công nghiệp ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Phục vụ kỹ thuật được xem là thành công khi có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng. Đó cũng là điều thôi thúc các kỹ sư nuôi trồng thuỷ sản của Thăng Long không ngừng nỗ lực phát triển thêm mô hình nuôi mới. Tháng 3/2023, mô hình nuôi TLSS-547 được áp dụng trên thị trường tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và một số tỉnh lân cận. Mô hình TLSS-547 được xây dựng với mục đích áp dụng cho các hộ nuôi ao đất cải tiến nhằm hỗ trợ cho khách hàng nuôi có diện tích đất nhỏ, hạn chế về nguồn nước, vốn đầu tư thấp, trình độ kỹ thuật không quá cao. Ngay từ năm đầu tiên triển khai, hàng loạt các hộ nuôi áp dụng đều mang lại lợi ích kinh tế cao hơn hẳn so với quy trình nuôi truyền thống đơn thuần. Một trong những thành quả nổi bật mà mô hình TLSS-547 mang lại ngoài tỷ lệ thành công trên 70% còn là tôm nuôi được về trọng lượng thân lớn. Rất nhiều khách hàng áp dụng TLSS-547 đã nuôi tôm về được size 30-40 gam/con, có thể nhắc tới anh Đinh Hồng Chương (Tiền Giang) size 24 con/kg; khu vực tỉnh Long An: anh Lê Ngọc Ân size 30 con/ kg, anh Vũ Hoàng Phước 33 con/kg, anh Nguyễn Thanh Phong 34 con/kg; khu vực tỉnh Sóc Trăng: chị Nguyễn Thị Mỹ Quyên size 30 con/kg, anh Huỳnh Văn Lên 32 con/ kg… Năng suất tôm nuôi của mô hình TLSS cũng đạt ở mức khá cao, dao động 2,2 – 2,4 tấn/1.000m2.
Luôn đồng hành cùng bà con nuôi tôm trên khắp cả nước, Tập đoàn Thăng Long đã tổ chức chương trình “Tôm to Xế xịn” nhằm vinh danh những người nuôi tôm sử dụng sản phẩm của Tập đoàn và nuôi tôm đạt được trọng lượng thân tôm lớn hơn 50 gam/con (tương đương size < 20 con/kg), áp dụng cho tất cả các mô hình nuôi. Trong suốt thời gian áp dụng đã có 44 giải thưởng được trao tặng (phần thưởng là 1 chiếc xe Future do hãng Honda sản xuất).
Mỗi mô hình nuôi của Tập đoàn Thăng Long đưa ra thị trường áp dụng vào thực tiễn sản xuất đều nhanh chóng thu hút và được sự chấp nhận của người nuôi tôm, nhờ những ưu điểm mà mô hình mang lại, chi tiết như:
- Chi phí đầu tư, trình độ kỹ thuật phù hợp với đa dạng đối tượng người nuôi.
- Giảm thấp rủi ro, nâng cao tỷ lệ thành công.
- Tôm nuôi đạt trọng lượng thân cao (size lớn).
- Hệ số FCR thấp.
- Chi phí sản xuất thấp – Lợi ích kinh tế cao.
Sự thành công của mô hình TLSS và TLSS-547 tại Việt Nam, không những thu hút được sự chú ý của người nuôi tôm trong nước mà còn cả những khách hàng nước ngoài đã biết đến. Trong thời gian vừa qua đã có nhiều khách hàng là những trang trại nuôi lớn hoặc những công ty nuôi tôm công nghiệp tại các nước như Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan đã đến tham quan, giao lưu kỹ thuật. Những khách hàng này đã bước đầu đưa vào áp dụng quy trình nuôi tôm mà Tập đoàn Thăng Long đang áp dụng.
Chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Thăng Long là lấy phục vụ kỹ thuật làm nền tảng đảm bảo sự phát triển bền vững và xuyên suốt. Cũng chính từ tấm lòng của mỗi nhân viên Thăng Long, lấy mục tiêu thành công của người nuôi tôm mà phấn đấu, lấy lợi ích 3 bên: Người nuôi – Đại lý – Công ty để duy trì sự phát triển. Điều này đã chiếm trọn vẹn niềm tin từ phía khách hàng trên khắp cả nước. Đối mặt với nhiều thách thức lớn trong năm 2023 như dịch bệnh hoành hành, giá tôm thương phẩm rớt xuống mức thấp chưa từng có, nhưng với sản phẩm chất lượng tốt, mô hình nuôi phù hợp đã giúp hầu hết khách hàng của Thăng Long vẫn đạt được hiệu quả kinh tế tốt. Cũng chính từ sự thành công của mỗi hộ nuôi đã góp phần giúp Tập Đoàn Thăng Long duy trì đà tăng trưởng 15% trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thức ăn tôm trong năm nay. Đây cũng chính là minh chứng rõ nét nhất cho chiến lược đúng đắn mà Tập Đoàn Thăng Long đang thực hiện tại thị trường Việt Nam.
Tập đoàn Thăng Long