Nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng hệ thống lồng bè, tàu cá nuôi biển quy mô công nghiệp, hoặc hợp tác với ngư dân cùng nuôi đem lại hiệu quả cao.
Nhưng tại hội thảo “Nghề nuôi biển”: chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp”, nhiều doanh nghiệp cho hay dù đã chuẩn bị sẵn công nghệ, nguồn vốn sẵn sàng ra khơi nuôi biển nhưng vẫn e ngại vì quy hoạch chưa rõ ràng, chính sách ưu đãi chưa đến được với doanh nghiệp, người dân.
Bỏ hàng trăm triệu USD nuôi biển
Một trong những đơn vị tiên phong đưa lồng HDPE (nhựa có độ bền cao) nuôi biển tại Việt Nam là Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam. Không chỉ nuôi biển quy mô công nghiệp bằng trang thiết bị công nghệ cao, công ty này còn có chuỗi quy trình từ con giống đến thu hoạch đạt chuẩn xuất khẩu đi các nước, với sản lượng hằng năm đạt hơn 10.000 tấn.
Ông Hoàng Ngọc Bình, giám đốc vận hành Công ty Australis, cho rằng công ty đã đầu tư cả trăm triệu USD mới đạt quy mô này. Do đó, cần hướng dẫn cho người dân chuyển đổi dần dần từ truyền thống sang công nghiệp, tập hợp nhiều hộ nuôi lại thành hợp tác xã cùng làm.
Theo ông Bình, khi triển khai dự án, vướng mắc lớn nhất của Australis đó là quy hoạch cho nuôi biển, như tại Khánh Hòa vẫn đang chờ phê duyệt. “Australis thuê được 20 năm. Đến năm 2023 hết hạn, trong khi tỉnh có chủ trương không cho thuê tiếp, phải di chuyển ra vùng biển mở. Khi không được giao lại mặt nước biển thì ngân hàng không dám cho vay. Australis đang xin thủ tục mở rộng ở Kiên Giang, dù tỉnh ủng hộ, kêu gọi, công ty nhiệt tình vào làm thử nghiệm, nhưng hai năm qua vẫn chưa xin được mặt nước vì vướng thủ tục” – ông Bình chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, tổng giám đốc STP Group, cho hay dù STP Group không phải là doanh nghiệp nông nghiệp, mà là doanh nghiệp phụ trợ nhưng nhìn thấy cơ hội của nghề nuôi biển nên đã mạnh dạn xin cấp mặt biển để nuôi biển.
Song song đó, STP Group đang cùng tỉnh như Quảng Ninh xây dựng các chuỗi giá trị nuôi biển, chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp, chuyển đổi nhận thức người đang nuôi, tập trung vào chuyển đổi sang vật liệu mới.
“Chúng tôi đang có chuỗi đầu tiên cung cấp vật tư công nghệ cho bà con, giảm trừ đầu tư trong 18 tháng. Dù suất đầu tư cao hơn gấp 5-10 lần vật liệu cũ, việc chuyển đổi là tất yếu vì vật liệu cũ không bền vững, ô nhiễm môi trường. Bà con dùng vật liệu, dùng giống rong của STP Group và sau mỗi kỳ thu hoạch sẽ trừ dần vào công nợ. Chúng tôi mong rằng thành công của STP Group, Việt Úc, Australis,… sẽ là doanh nghiệp phải dẫn dắt trong chuỗi nông nghiệp nuôi biển”, bà Bình kiến nghị.
Ông Nguyễn Công Cẩn, phó tổng giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc, khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư lớn vào chuỗi nuôi thủy sản và nuôi biển nhưng đang gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.
Trong đó, các chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng vì có những công nghệ mua về rất đắt tiền nhưng chưa thấy có những chính sách hỗ trợ nên rất dè dặt. Hay như vấn đề về môi trường cũng đang gặp khó vì nghị định 53 của Chính phủ tính phí xả thải chưa phù hợp với doanh nghiệp nuôi trồng như Việt Úc.
“Công nghệ xử lý nước thải của doanh nghiệp rất hiện đại nhưng phí phải đóng cho lượng nước thải vượt ngưỡng rất cao. Người làm thật thì phải chịu thiệt, trong khi có nhiều người làm không đạt. Chúng tôi chỉ muốn Nhà nước đưa ra chính sách hợp lý để đảm bảo công bằng giữa những doanh nghiệp, người dân”, ông Cẩn nêu vấn đề.
Đừng bắt doanh nghiệp chạy ra trung ương nữa
Còn kỹ sư Phạm Đức Phương, giám đốc Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đơn vị này đã đầu tư hệ thống lồng bè công nghệ cao chịu được bão tố, thiệt hại ít, có thể điều chỉnh thời gian thu hoạch, chịu được sóng gió để thu hoạch sau Tết, bán với giá cao.
Nhưng mô hình này cần nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian sử dụng lồng bè là khoảng 50 năm nhưng giấy phép cấp nuôi chỉ 20 năm là rất lãng phí.
“Trang trại chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã hết hạn và đã làm nhiều thủ tục xin gia hạn nhưng đến hiện tại vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa gia hạn”, ông Phương phát biểu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng – chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam – nhận định để chuyển từ thủ công sang công nghiệp cần quá trình, để tiến ra vùng biển mở phải có lồng bè công nghiệp, cần phải có quyền giao biển cho tổ chức, cá nhân lâu dài.
Mặc dù Luật thủy sản 2017 có nội dung giao biển để nuôi trồng không quá 30 năm, nhưng đến nay chưa có tỉnh nào làm được, nếu không giao biển người dân sẽ mãi nuôi bằng lồng thủ công.
Cũng theo ông Dũng, thực trạng hiện nay “nghề cá do dân làm, mọi sự do dân chịu”, muốn đưa doanh nghiệp vào địa phương phải thu hút doanh nghiệp đầu tư vào, nhưng tiêu chuẩn quy chuẩn Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa ban hành những quy định cụ thể.
“Cần phải giao biển, miễn giảm tiền thuê biển. Nên đơn giản hóa thủ tục, có chính sách rõ ràng. Địa phương quy hoạch rõ vùng nào được nuôi, doanh nghiệp đó muốn nuôi cần phải đạt tiêu chuẩn gì. Đừng bắt doanh nghiệp chạy ra trung ương nữa!”, ông Dũng đề nghị.
Theo ông Dũng, các hộ ngư dân nếu nhảy thẳng lên nuôi công nghiệp rất khó, trước hết chúng ta cần tạo chuỗi giá trị, các hộ dân sẽ là chân rết của chuỗi giá trị đó.
“Ngư dân sẽ nuôi ở quy mô nhỏ, trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị doanh nghiệp tạo nên sự liên kết bền vững. Chúng ta cần có mô hình và sự hướng dẫn, đưa lồng HDPE vào cho dân… tổ chức đào tạo cho ngư dân nuôi cá biển theo hướng công nghiệp và tiếp cận tín dụng”, ông Dũng đề nghị.
Ông Trần Đình Luân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, khẳng định chủ đề khai thác bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng trong hội thảo là một định hướng rất đúng và được Thủ tướng quan tâm.
Từ định hướng đến cơ chế như thế nào, hỗ trợ những gì để phát triển nuôi biển. Luật thủy sản đã nói rất rõ, rất cụ thể, chỉ vướng nhất là quy hoạch không gian biển. Tuy nhiên không thể ngày một ngày hai có thể hoàn thiện được. Vấn đề ở đây là phải nuôi biển như thế nào cho hiệu quả, giống loài nào để phát triển quy mô đáp ứng thị trường chất lượng cao. |