Charoen Pokphand Foods (CPF) và trường Đại học Chiang Mai vừa qua đã ký hợp đồng, cùng nhau sản xuất và phát triển nguồn protein từ ruồi lính đen.
Thỏa thuận được ký kết gần đây bởi giáo sư lâm sàng Niwes Nantachit, Hiệu trưởng trường Đại học Chiang Mai và Tiến sĩ Pairat Srichana, Phó Chủ tịch cấp cao của CPF, nhằm mục đích thương mại hóa nguồn protein từ côn trùng cho cả người và động vật.
Tiến sĩ Yuthana Phimolsiripol, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Đóng gói Thực phẩm (FIN) tại Đại học Chiang Mai cho biết, ban đầu trường cũng đã tiến hành nghiên cứu nhiều sản phẩm từ ruồi lính đen, như sản phẩm dưỡng da từ dầu ấu trùng của ruồi lính đen. Hiện trường đang hợp tác với CP để tìm kiếm các cơ hội thương mại hóa từ những nghiên cứu.
Theo thỏa thuận, CPF sẽ tài trợ cho dự án và cùng phát triển trang trại thông minh đầu tiên dành cho ruồi lính đen tại Thái Lan. Trang trại thí điểm này cũng là trung tâm học tập cho học sinh, sinh viên và những người nông dân. “Đại học Chiang Mai và CPF có chung một mục tiêu là khám phá các sản phẩm mới để thúc đẩy ngành nông nghiệp Thái Lan hướng tới tăng trưởng bền vững, sử dụng mô hình kinh tế BCG (Boston Consulting Group) làm mẫu. Nghiên cứu này không chỉ mang lại lợi ích cho cả 2 bên mà còn cho nông dân trên khắp cả nước, tạo thu nhập cho nông dân từ loại côn trùng kinh tế mới này”, Tiến sĩ Yuthana chia sẻ.
Tiến sĩ Pairat nói thêm, CPF đã và đang nghiên cứu các nguồn protein thay thế, bao gồm protein từ động vật, protein từ tế bào và protein từ côn trùng, để đáp ứng với xu hướng lương thực bền vững mới và xây dựng an ninh lương thực. Ông cũng giải thích rằng, công ty rất quan tâm đến lĩnh vực côn trùng. Trước đó, CPF cũng đã phát triển thức ăn cho dế từ năm 2013 và bắt đầu nghiên cứu lợi ích của ruồi lính đen vào năm 2016. “Ruồi lính đen là một lựa chọn bền vững cho các nguồn protein và chất béo thay thế. Vì vậy, chúng tôi đang tạo ra một loại protein từ côn trùng có thể thay thế có giá trị. Chúng tôi hi vọng rằng, sự hợp tác lần này với trường Đại học Chiang Mai sẽ mở đường cho một ngành công nghiệp côn trùng bền vững và có lợi nhuận ở Thái Lan”, ông Pairat chia sẻ.
Tây (Theo Thefishsite)