Từ những mô hình hiệu quả, đến nay các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh Hà Nam đã xây dựng, nhân rộng được hàng trăm mô hình kinh tế tập thể, trong đó có các mô hình nuôi cá trắm đen công nghệ sông trong ao với mật độ dày đặc và mô hình trồng bưởi VietGAP.
Nuôi cá trắm đen dày đặc, trồng bưởi VietGAP
Tháng 6/2019, Hội ND tỉnh và Hội ND huyện Kim Bảng đã hỗ trợ xã Tượng Lĩnh thành lập “Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản” ở thôn Quang Thừa. Tổ hợp tác được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động, gồm 7 thành viên cùng phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, đặc biệt là nuôi cá trắm đen.
Ông Nguyễn Văn Bằng – Chủ tịch Hội ND xã Tượng Lĩnh cho biết: Kể từ sau khi thành lập tổ hợp tác, các hộ nuôi trồng được hỗ trợ cung cấp các chế phẩm vi sinh đảm bảo chất lượng, được tập huấn kỹ thuật nuôi cá. Đặc biệt, vào tổ hợp tác, các thành viên có nơi để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau giải đáp các thắc mắc và những khó khăn trong quá trình sản xuất. Nhờ vậy, các hội viên cũng yên tâm sản xuất hơn”.
Ông Nguyễn Ngọc Thuần một thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản thôn Quang Thừa cho biết: So với nuôi cá mè thì kỹ thuật nuôi cá trắm đen phức tạp hơn, đòi hỏi những kỹ thuật rất khắt khe. Chính vì khi tham gia tổ hợp tác, chúng tôi đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá trăm đen từ khâu chọn giống, cho ăn, phòng trừ bệnh, thau ao…
Đặc biệt, các thành viên trong tổ đã hỗ trợ nhau việc tiêu thụ cá trắm đen rất thuận lợi. Hiện nay cá trắm đen của các thành viên trong tổ hợp tác đều được các công ty, nhà hàng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và cả Hà Nội đăng ký thu mua. Chính bởi vậy, người nuôi cá như gia đình ông Thuần rất yên tâm. Hiện với diện tích 1,5ha mặt nước nuôi cá, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Thuần thu về từ 300 – 400 triệu đồng.
Được thành lập từ năm 2017, Tổ hội trồng bưởi theo quy trình VietGAP xã Chính Lý, huyện Lý Nhân có 27 thành viên tham gia với diện tích 10ha. Đến nay, tổ hội đã phát triển với 39 thành viên tham gia trồng 35ha. Tính trung bình mỗi năm, tổ hội cung cấp ra thị trường từ 350 – 400 tấn bưởi các loại, ước doanh thu đạt 8 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi từ 2,5- 3 tỷ đồng. Khi thành lập, tổ hội được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay vốn ưu đãi 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch Hội ND xã Chính Lý cho biết: Việc trồng bưởi ở địa phương đã được một số hộ đưa vào trồng từ lâu, song chủ yếu là thâm canh theo phương pháp truyền thống, hiệu quả chưa cao. Sau thi thành lập tổ hội, được hỗ trợ vốn sản xuất và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã góp phần tăng năng suất và giá trị thu nhập cho các thành viên.
Đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình liên kết
Với mục đích tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Hội ND huyện Lý Nhân đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Đây là những mô hình được xác định là thế mạnh tại các địa phương.
Bà Trần Minh Huệ – Chủ tịch Hội ND huyện Lý Nhân cho biết: Bên cạnh việc giao chỉ tiêu cụ thể và lấy đó làm thước đo để phân loại, bình xét thi đua hằng năm, Hội ND huyện còn chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và hệ thống loa truyền thanh của xã. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng tìm nhiều giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội ND trong toàn huyện đã thành lập được 36 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 5 tổ hợp tác, 31 tổ, chi hội nghề nghiệp với sự tham gia của 1.114 thành viên. Các mô hình chủ yếu trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và dịch vụ thương mại với số vốn ban đầu từ 100 triệu đến 2 tỷ đồng.
Ông Tạ Văn Đạt – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Hà Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chủ động liên kết thành lập các tổ hợp tác, tổ, chi hội nghề nghiệp. Mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên.
Đáng chú ý, để hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, Hội ND tỉnh Hà Nam đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ hội viên. Hiện Hội ND tỉnh Hà Nam đang quản lý hơn 28,2 tỷ đồng tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, đầu tư cho 87 dự án với hơn 2.000 lượt hội viên vay để đầu tư các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh.
Điển hình như các mô hình tổ hợp tác: Chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc; phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; trồng và chăm sóc bưởi Diễn chất lượng cao ở xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên; chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng…
Đức Thịnh
Báo Dân Việt