Nuôi lươn không bùn trong bể bạc hay bể xi măng là một mô hình kinh tế phát triển trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc gia tăng về số lượng nhưng đầu ra chưa ổn định dẫn đến giá lươn thương phẩm liên tục giảm. Cộng thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19 làm cho sản lượng khó bán đã đẩy người nuôi vào thế khó.
Cách đây 3 năm, khi huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) triển khai mô hình nuôi lươn không bùn trong bể bạc, ông Nguyễn Văn Trống, ở ấp Hòa Phụng A, thị trấn Kinh Cùng là một trong 30 hộ đăng ký thực hiện. Tham gia mô hình ngoài việc được nhận 1.000 con lươn giống (trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn) thì những hộ nuôi còn được tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, cách phòng và điều trị các bệnh thường gặp trong quá trình nuôi. Vụ đầu tiên bể lươn 1.000 con của ông Trống thu hoạch 250kg được thương lái thu mua với giá 250.000 đồng/kg, ông lãi gần 20 triệu đồng. Thấy vậy ông Trống tiếp tục mở rộng thêm 3 bể, mỗi bể thả 1.000 con. Ông Trống cho biết: “Mô hình không cần kỹ thuật quá phức tạp, phù hợp với nhiều đối tượng kể cả hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất. Thức ăn cho lươn cũng rất phổ biến, nếu ai có điều kiện thì mua thức ăn công nghiệp còn nếu bắt ốc, cá về xay ra làm thức ăn cho lươn sẽ giảm được chi phí, lợi nhuận về sau sẽ cao hơn”.
Từ 30 hộ nuôi lươn được triển khai thí điểm, đến nay mô hình nuôi lươn không bùn ở huyện Phụng Hiệp đã phát triển trên 100 hộ, với tổng đàn trên 200.000 con, trong đó có khoảng 50% số hộ chuyển từ nuôi heo sang. Mô hình phát triển mạnh do kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, phù hợp với nhiều đối tượng kể cả hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất. Tuy nhiên, việc ùn ùn mở rộng diện tích nuôi, trong khi đầu ra của con lươn còn giới hạn, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc giá lươn thịt từng ổn định ở mức 250.000 đồng/kg thì nay đã giảm chỉ còn phân nửa.
Nuôi 4 bể lươn với tổng đàn hơn 11.000 con, sản lượng gần 3,5 tấn, đã quá lứa thu hoạch hơn 3 tháng nay, nhưng gia đình anh Nguyễn Quốc Việt, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, vẫn chưa thể bán, bởi giá hiện nay chỉ ở mức 120.000 đồng/kg lươn loại 1, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần phân nửa. Theo anh Việt, nếu bán hết số lươn này với giá hiện tại gia đình lỗ gần 100 triệu đồng. Anh Việt cho hay: “Hiện nay, gia đình chỉ cho đàn lươn ăn đắp đỗi qua ngày, khi nào có giá thì sẽ thúc rồi bán. Chứ giá lươn hiện tại rất thấp, trong khi giá thức ăn hiện nay tăng mỗi bao vào chục ngàn đồng, hiện dao động ở mức 650.000-700.000 đồng/bao nên càng cho ăn sẽ càng lỗ nặng”.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: Trong các chương trình đột phá của huyện, mỗi loại cây trồng, vật nuôi triển khai xây dựng đều có liên kết đầu ra và con lươn cũng vậy. Thời điểm cách đây 2 năm, mô hình nuôi lươn cho hiệu quả kinh tế rất cao nên người dân trong huyện ùn ùn mở rộng diện tích nuôi tự phát rồi tự liên hệ với các thương lái để tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay ảnh hưởng bởi dịch bệnh tiêu thụ khó trong khi sản lượng lươn đến lứa thu hoạch nhiều dẫn đến khủng hoảng thừa làm cho giá bán giảm mạnh.
Ở huyện Long Mỹ, thời gian gần đây nhiều hộ dân cũng đã làm bể bạc nhân nuôi lươn. Nhưng do dịch bệnh, hầu hết người nuôi đều gặp khó vì giá lươn tuột dốc. Do giá rẻ, nhiều hộ cho lươn ăn giảm cử để đợi ngày giá lên mới xuất bán. Thay vì cho ăn 3 lần/ngày thì cho ăn 2 lần để lươn không quá lớn.
Theo các hộ dân, lươn nuôi trong bể sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch với trọng lượng mỗi con từ 200gram đến 500gram. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ cũng tính toán giá thành sản xuất bao gồm con giống, thức ăn… sẽ dao động khoảng 140.000 đồng/kg, với giá bán như hiện nay bình quân mỗi ký lươn bán ra người nuôi lỗ khoảng 20.000 đồng.
Trước tình trạng hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương đang liên hệ với các công ty, doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ thủy sản để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản lượng lươn tồn đọng. Song song đó, cũng khuyến cáo người dân hạn chế tăng đàn, bởi thời điểm dịch bệnh như hiện nay đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Còn về lâu về dài nếu bà con muốn phát triển mô hình này thì cần tham gia tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để có thông tin địa chỉ rõ ràng, cũng như chất lượng và sản lượng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu đầu ra, tránh tình trạng nuôi nhỏ lẻ làm cho đầu ra gặp khó.
T.Trúc – D. Khánh
Báo Hậu Giang