Việc chuyển đổi các diện tích vùng trũng thấp sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân
Trong thời gian qua, huyện Hậu Lộc đã tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa vùng trũng thấp kém hiệu quả sang NTTS theo hướng kết hợp cá lúa hoặc trang trại tổng hợp. Từ năm 2020 đến tháng 9-2021, toàn huyện đã chuyển đổi được 72,7 ha đất trũng thấp sản xuất nông nghiệp và diện tích làm muối kém hiệu quả sang NTTS. Trong đó, có 67,5 ha từ đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại chăn nuôi, cá – lúa tổng hợp; 5,2 ha đất làm muối sang NTTS. Một số địa phương thực hiện tốt, như các xã Hòa Lộc 4,6 ha, Phú Lộc 4,7 ha, Liên Lộc 10,8 ha… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và làm muối. Hình thức nuôi chủ yếu là xen canh, nuôi thủy sản kết hợp với cấy lúa, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp; đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá nước ngọt truyền thống có đặc tính dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, suất đầu tư thấp, phù hợp trình độ kỹ thuật và quản lý của các hộ nông dân; năng suất bình quân đạt 2,98 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 115 – 165 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình có hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi ba ba gai ở xã Quang Lộc, nuôi ếch ở xã Tuy Lộc, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ở các xã Hòa Lộc, Đa Lộc…
Thực hiện Quyết định số 2326/QĐ-UBND ngày 1-7-2016 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án chuyển đổi đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác và kết hợp NTTS để có hiệu quả kinh tế cao hơn, từ năm 2017 đến tháng 9-2021, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi hơn 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang NTTS, tập trung tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Thanh,… với các hình thức, như: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất và góp đất hoặc liên kết sản xuất. Sau khi chuyển đổi, thu nhập bình quân của 1 ha đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm, cao gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Mặc dù bước đầu hiệu quả kinh tế mang lại sau khi chuyển đổi đất ở những vùng trũng thấp đạt cao, nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn, bất cập như: diện tích đất lúa sâu trũng chuyển sang mô hình cá lúa, trang trại tổng hợp có NTTS suất đầu tư thấp, dàn trải, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất còn khó khăn nên hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát trong vùng nước ngọt ở một số địa phương trong tỉnh gây tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng sinh thái trong sản xuất nông nghiệp có chiều hướng gia tăng. Hệ thống thủy lợi cấp thoát ở một số vùng NTTS vẫn là cấp thoát chung với các diện tích trồng lúa, gây khó khăn rất lớn cho quản lý nguồn nước của vùng nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh. Số cơ sở NTTS ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký vùng nuôi trồng đạt tiêu chuẩn trong sản xuất còn thấp.
Để phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các diện tích đất sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, nhưng cũng không ăn chắc, hiệu quả kinh tế thấp, trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi hơn 3.604 ha đất trũng thấp sang NTTS. Trong quá trình chuyển đổi, đối với diện tích chuyển sang chuyên NTTS được thay đổi hoàn toàn kết cấu, hiện trạng đồng ruộng do phải cải tạo lại thành ao, đồng. Những diện tích chuyển sang trồng lúa kết hợp với NTTS, khi cải tạo đồng ruộng chỉ sử dụng 20% tổng diện tích đất mặt ruộng để đào mương, đắp bờ, không làm thay đổi lớn kết cấu, hiện trạng mặt ruộng. Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục rà soát các diện tích vùng trũng thấp, khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi sang NTTS kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi.
Bài và ảnh: Hải Đăng
Nguồn: Báo Thanh Hóa