Sau nửa đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam khá ổn định, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo, xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), bảo đảm được sự ổn định về thị trường tiêu thụ mang tính cạnh tranh. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc kiểm soát dịch Covid-19…
Năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi đang phát triển nóng, có thể dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Hoạt động xuất khẩu cũng gặp phải một số thách thức mới, nhất là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. Thí dụ Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến mầu sắc, mùi vị… của sản phẩm. Thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới… Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng hơn 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu tôm trong nửa đầu năm 2021 vẫn giữ được tăng trưởng khá cao, nhất là xuất khẩu sang các thị trường chính, trừ Trung Quốc đều tăng trưởng tốt; các thị trường và khối thị trường chính như CPTPP, Mỹ, EU đều tăng hai con số (từ 14% đến 36%). Xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tăng nhẹ 3% đến 4%. Đáng chú ý, hai thị trường Australia và Nga, mặc dù không phải là những thị trường nhập khẩu lớn nhưng lại ghi nhận các mức tăng trưởng ấn tượng, 80% đến 90%.
Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 7 vừa qua, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, bảo đảm được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát tốt dịch Covid-19. Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuỗi phân phối sản phẩm tôm xuất khẩu đi các thị trường có sự thay đổi.
Nhu cầu tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ phục vụ bán lẻ và tiêu dùng tại nhà tăng trưởng hơn hẳn so với các năm trước. Với nhận định đó, ngành thủy sản đặt kế hoạch cả năm 2021, duy trì phát triển ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 740 nghìn ha, trong đó 630 nghìn ha nuôi tôm sú và 110 nghìn ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm các loại cả năm 2021 đạt 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 633 nghìn tấn (còn lại là tôm khác). Kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2021 đạt 3,8 đến 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid trong nước diễn biến phức tạp và biến chủng Delta lan rộng trên thế giới sẽ có những tác động khó lường đến tình hình xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm. Hiện nay, dịch Covid-19 đang là mối lo của tất cả các nhà máy chế biến, xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mặc dù đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó khá kỹ như hình thức sản xuất “ba tại chỗ” từ khâu nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu, nhưng do thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống Covid-19 vừa duy trì sản xuất chế biến, xuất khẩu để kịp các đơn hàng đã ký, khá nhiều rủi ro đang rình rập ngành tôm. Nếu vì một lý do nào đó, một khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu bị đứt gãy thì không chỉ mối liên kết doanh nghiệp – người nông dân – nhà phân phối trong nước bị ảnh hưởng mà mục tiêu xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm của chúng ta cũng khó hoàn thành…