Hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Hà Trung đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: cải tạo ao đầm nuôi thủy sản; quản lý tốt chất lượng con giống; chú trọng nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương… Từ đó, tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn.
Sau thời gian nghiên cứu, nuôi thử nghiệm, nhận thấy việc nhân rộng mô hình nuôi ốc nhồi là rất khả thi. Nuôi ốc nhồi tuy chi phí mua giống khá cao, nhưng có nhiều ưu điểm, như: dễ nuôi, chi phí thức ăn thấp, nhanh thu hồi vốn, sinh lời cao, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Từ đó, huyện Hà Trung đã khuyến khích, hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện có diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả mạnh dạn đầu tư nhân rộng mô hình này. Điển hình như anh Vũ Văn Hiệp, thôn Đại Lợi, xã Hà Vinh, đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật nuôi, đầu tư nuôi ốc giống và ốc nhồi thương phẩm. Khi vững kiến thức, làm chủ quy trình nuôi ốc, anh đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng, chuyển đổi 5.000m2 đất, xây dựng 5 ao nuôi, 3 bể ươm giống, bể sinh sản, lắp đặt bóng điện để ấp trứng ốc,… thả hơn 2 vạn con giống, với mật độ 100 con/m2. Dẫn chúng tôi thăm khu nuôi ốc được quy hoạch bài bản, anh Hiệp, chia sẻ: “Sau khoảng 8 tháng, ốc nhồi bắt đầu sinh sản và thời gian sinh sản thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, mỗi con ốc mẹ đẻ từ 6 – 7 ổ trứng/năm. Khi ốc sinh sản cần gom trứng về ấp để tỷ lệ nở cao, giảm thiểu thiệt hại do các thiên địch khác phá hoại, ăn trứng, nhất là chuột. Khi ấp trứng, người nuôi thường xuyên quan sát trứng, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Với những con ốc to, khỏe mạnh, tôi lựa chọn nuôi để tiếp tục nhân giống và sản xuất nguồn giống cho các vụ tiếp theo”. Hiện nay, mỗi năm trang trại của anh Hiệp cung cấp cho thị trường 2 tấn ốc thương phẩm và hơn 100 vạn ốc giống, lợi nhuận đạt gần 500 triệu đồng/năm. Không chỉ trăn trở nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ốc nhồi, với mong muốn phát triển nuôi ốc nhồi theo hướng bền vững, anh Hiệp cũng đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, cung cấp con giống cho người dân trong và ngoài xã.
Được biết, hiện nay, toàn huyện có 1.920 ha NTTS, chủ yếu tập trung ở các xã Hà Đông, Hà Ngọc, Hà Lĩnh, thị trấn Hà Trung…, sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 6.200 tấn/năm, thu nhập bình quân đạt 125 triệu đồng/ha/năm. Xác định NTTS là một trong những ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương, huyện Hà Trung đã và đang dành nguồn lực để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng; đồng thời, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư NTTS. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi hơn 800 ha trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS; sau khi chuyển đổi, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2,5 đến 3 lần. Bên cạnh đó, huyện mở các lớp tập huấn khuyến nông – khuyến ngư, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong NTTS, cách phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra chất lượng con giống… Với mục tiêu năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của nghề NTTS, huyện đã phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn, HTX để tuyên truyền, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp cải tạo ao đầm, gia cố bờ bao, vận động các hộ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, từ hình thức nuôi quảng canh, nhiều hộ đã nuôi theo hình thức bán thâm canh và thâm canh, áp dụng hiệu quả hình thức nuôi thâm canh xen ghép nhiều đối tượng, tạo sự phong phú, đa dạng về chủng loại. Ngoài các loại cá truyền thống, như trắm, chép, trôi…, các hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, thay đổi đối tượng nuôi, đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, như: cá rô phi đầu vuông, lăng, chép Thái, ốc nhồi… Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hà Trung, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất lượng giống; cải tạo, vệ sinh ao đầm; tăng cường hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn”. Khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh định hướng cho người dân phát triển mô hình “Nuôi cá nước ngọt theo quy trình VietGAP”, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ các nhóm, hộ liên kết thành lập các HTX để hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật NTTS.
Lê Ngọc
Nguồn: Baothanhhoa.vn