(Aquaculture.vn) – Bão lũ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nhiều tỉnh thành miền Bắc, đặc biệt là ngành tôm, với hàng nghìn ha diện tích nuôi tôm bị tàn phá. Thiệt hại không chỉ lớn về kinh tế mà còn tạo tâm lý e ngại cho người dân khi thả giống vụ nuôi mới, điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu vào cuối năm, gây xáo trộn cho các ngành phụ trợ như con giống, thức ăn và chế phẩm…
Bão lũ tàn phá: Người nuôi tôm chật vật
Theo Cục Thủy sản, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho các khu vực nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao và ngập lụt ước tính lên tới hơn 30.000 ha, với tổng thiệt hại khoảng 6.180 tỷ đồng. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại hơn 9.400 ha.
Tại Quảng Ninh, nơi được xem là “vựa” nuôi trồng thủy sản của miền Bắc, hơn 3.000 ha nuôi trồng thủy sản bị tàn phá hoàn toàn, đặc biệt là các huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Tại Tiên Yên, 31.420 m2 mái che khu nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, nhiều ao nuôi bị rách bạt lót, gây thất thoát một phần tôm. Còn tại Đầm Hà, gần 30 tỷ đồng đã “bốc hơi” khi gần 100 tấn tôm thẻ chân trắng và hàng nghìn tấn hàu bị chết.
Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Tân An, Đầm Hà, Quảng Ninh, chia sẻ, với kinh nghiệm nhiều năm nuôi trồng thủy sản, ông Dũng chưa bao giờ chứng kiến cơn bão khủng khiếp như thế này. Công ty mất trắng 30 ao tôm, thiệt hại lên đến 30 tỷ đồng. Không chỉ tôm chết, mà cả hệ thống cơ sở hạ tầng như trạm biến áp, lưới điện cũng bị hư hỏng nặng nề, ước tính thiệt hại lên tới gần 100 tỷ đồng.
“Khó khăn nhất với tôi và toàn thể bà con bây giờ là nguồn vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh vì tài sản đều đã thế chấp để vay vốn nuôi thủy sản”, ông Dũng cho hay.
Tại Hải Phòng, thiệt hại ước tính do bão số 3 gây ra lên tới gần 12.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chịu thiệt hại gần 6.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lĩnh vực thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề với khoảng 4.985 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 23.500 m³ nuôi lồng bè, ước tính thiệt hại lên đến 1.162,2 tỷ đồng.
Còn tại Thanh Hóa, Nghệ An, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 đã gây ra những trận mưa lớn, nước dồn về đột ngột khiến nhiều hộ nuôi tôm trở tay không kịp. Ước tính sơ bộ tại Thanh Hóa hiện có khoảng 394 ha thủy sản nuôi truyền thống bị thiệt hại. Quảng Phú, Thanh Hóa những ngày này như chìm trong nỗi buồn. Anh Nguyễn Viết Đạt đã từng tự hào với 20 ha đầm tôm trù phú. Thế nhưng, trận lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi tất cả. Hàng tấn cua, tôm, cùng những vườn bưởi, mít sắp đến ngày thu hoạch bị tàn phá. Thiệt hại ước tính lên tới gần 2 tỷ đồng, con số quá lớn đối với một gia đình nông dân.
Anh Đạt từng tràn đầy hy vọng khi mạnh dạn vay ngân hàng để mở rộng quy mô nuôi tôm. Giấc mơ về một cuộc sống ấm no bỗng chốc tan vỡ. Nợ ngân hàng gần 10 triệu đồng mỗi tháng, cùng với gánh nặng lo cho 20 miệng ăn và 7 công nhân làm thuê, anh như ngọn đèn leo lắt trước cơn gió bão. “Mấy hôm nay tôi gần như không chợp mắt”, anh Đạt nghẹn ngào chia sẻ.
Những con số thống kê trên cho thấy mức độ tàn phá của bão lũ đối với ngành tôm là vô cùng nghiêm trọng. Hàng nghìn ha ao nuôi bị tàn phá, cơ sở vật chất bị hư hỏng, tôm cá chết hàng loạt. Người nuôi tôm miền Bắc giờ đây đang đối mặt với những khó khăn chồng chất, chưa từng có tiền lệ.
Nỗi lo gián đoạn sản xuất
Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của thiên tai là việc cơ sở vật chất nuôi tôm bị phá hủy nặng nề. Hệ
thống cống, rãnh, máy bơm bị hư hỏng, ao nuôi bị sạt lở, nhà kho, nhà ở của người nuôi tôm cũng bị tốc mái, hư hỏng. Để khôi phục lại tất cả những điều này đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn mà không phải hộ nuôi tôm nào cũng có thể đáp ứng được.
Đại diện Công ty TNHH Sơn Trường, tại Hải Phòng cho biết, bão số 3 làm gãy đổ toàn bộ kết cấu 126 ô nuôi tôm nhà bạt và nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ nuôi thả, cộng với mất điện nên tôm trong các nhà bạt chết khá nhiều, tổng thiệt hại của đơn vị khoảng hơn 20 tỷ đồng. Hiện, công ty đang cho khôi phục lại nhà bạt nuôi tôm nhưng nhanh cũng phải mất 1 – 2 tháng mới có thể đưa con giống vào sản xuất.
Sau bão, vấn đề ô nhiễm môi trường nước và dịch bệnh cũng là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với các vùng nuôi trồng. Sau thiên tai, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm nghiêm trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất cao, đe dọa đến toàn bộ đàn tôm và gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người nuôi. Điều này đã khiến người nuôi tôm chùn bước trước việc tiếp tục thả nuôi vụ mới.
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, không chỉ phá hủy hạ tầng, bão lũ còn làm thay đổi đáng kể chất lượng nước tại các vùng nuôi trồng, gây ra những tác động tiêu cực lâu dài. Mưa lớn làm trôi đất đá và chất thải vào các ao hồ và vịnh biển, khiến nồng độ ô nhiễm trong nước tăng cao. Điều này gây sốc môi trường cho tôm, dẫn đến tỷ lệ chết cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng.
Để khôi phục lại sản xuất, người nuôi tôm cần một nguồn vốn lớn để sửa chữa cơ sở vật chất, mua con giống, thức ăn và các vật tư khác. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi tôm đã kiệt quệ sau cơn bão, không còn khả năng vay vốn để tái đầu tư. Điều này dấy lên lo ngại về việc thiếu tôm nguyên liệu cho sản xuất tôm cuối năm, đồng thời kéo theo những ngành phụ trợ khác như thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học bị ảnh hưởng.
Kịp thời tiếp sức: Không ai bị bỏ lại phía sau
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay là cùng nhau khắc phục hậu quả bão và khôi phục sản xuất cho người nuôi. Sau thiệt hại nặng nề, ngành thủy sản miền Bắc đang nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng để nhanh chóng phục hồi.
Cục trưởng Trần Đình Luân cho biết, nhu cầu tái thiết nuôi trồng thủy sản sau bão là rất lớn. Người dân cần được hỗ trợ về nhiều mặt, từ lồng bè, con giống cho đến kỹ thuật nuôi trồng. Cục Thủy sản đã liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu làm lồng bè, con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng hoặc hỗ trợ khôi phục sản xuất tại các vùng bị thiệt hại.
Đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ, hỗ trợ người dân bằng tiền, thức ăn, con giống chất xử lý cải tạo môi trường nhằm khôi phục, khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ với số tiền tương đương trên 90 tỷ đồng. Trong đó có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Thăng Long, Hải Đại, C.P Việt Nam, Việt Úc, GrowMax…
Theo đó, CP. Việt Nam đã đồng hành cùng Cục Thủy sản thông qua việc hỗ trợ con giống tôm, thức ăn nuôi tôm, thức ăn nuôi cá, giá trị ước tính 800 triệu đồng.
Tập đoàn Việt Úc đã trao tặng hơn 57 triệu tôm giống (tương đương khoảng 8 tỷ đồng) để bà con nuôi tôm miền Bắc kịp thời phục hồi vụ nuôi mới. Bên cạnh đó, đại diện Việt Úc cho biết doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành khắc phục về mặt kỹ thuật, cung cấp những giải pháp hữu hiệu cho bà con phục hồi sản xuất.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường và dịch bệnh đang đe dọa nghiêm trọng các vùng nuôi trồng sau bão. Nước lũ cuốn theo nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh, kết hợp với chất thải hữu cơ từ vụ mùa bị phá hủy, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Để chủ động phòng chống, các cấp chính quyền cũng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý ao hồ, đảm bảo nguồn nước sạch trước khi tái sản xuất. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải và bảo vệ môi trường nuôi trồng là cấp thiết, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm và đảm bảo sản xuất bền vững.
Đặc biệt, việc hỗ trợ kỹ thuật là vô cùng quan trọng để giúp người dân tái thiết hiệu quả và có thu nhập ổn định, nhất là vào cuối năm và dịp Tết. Cục Thủy sản cho biết sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi hiện đại, giúp nông dân phục hồi sản xuất một cách nhanh chóng. Đặc biệt, Cục sẽ tập trung vào việc nâng cấp, củng cố hệ thống nuôi để giảm thiệt hại trong các cơn bão tiếp theo.
Phạm Huệ