Chuyển đổi mô hình nuôi cá lóc từ hồ cát sang nuôi trên bạt, ông Hồ Văn Quảng (SN 1973, tổ 1, thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, Thăng Bình) mỗi năm lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế cao của mô hình được nhiều nông dân học hỏi.
Trước năm 2014, ông Hồ Văn Quảng chỉ kinh doanh cá lóc với quy mô nhỏ trên nền đất cát. Cặn bã tồn đọng, thay nước khó khăn, mô hình kinh tế kém hiệu quả. Nhưng từ khi chuyển đổi sang hình thức nuôi lót bạt, mỗi ngày ông chỉ thay nước cho cá 2 lần dễ dàng. Ông Quảng mở rộng quy mô diện tích ao nuôi lên 1ha, nuôi cá lóc tại 10 hồ với 10.000 con giống/hồ.
Nông dân Hồ Văn Quảng chia sẻ: “Đây là tâm huyết của vợ chồng tôi. Từ ngày thực hiện mô hình kinh tế gia đình khấm khá hơn, tìm đầu ra ổn định và bảo vệ được môi trường sinh thái”.
Để có nguồn giống chất lượng, giá rẻ, ông Quảng trực tiếp vào miền Tây kiểm định giống, mua cá từ tỉnh Tiền Giang về. Mỗi lần nhập 50.000 giống, hộ kinh doanh thủy sản này đầu tư hơn 40 triệu đồng.
Mỗi ngày ông Quảng cho đàn cá của mình ăn 15 bao bột nổi, cá lóc lớn ăn 1 lần, cá nhỏ ăn 2 lần/ngày vào trước 6 giờ sáng và sau 16 giờ chiều. Chi phí đầu tư cho nguồn thức ăn gần 9 triệu đồng mỗi ngày.
Trung bình sau 8 tháng, cá lóc nặng từ 4 gam đến 1,2kg là đến kỳ thu hoạch. Mỗi lứa ông Quảng xuất trại được 4,5 tấn cá bán với giá 42.000 – 60.000 đồng/kg cho thương lái tiêu thụ tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Mỗi năm 3 lần thu hoạch cá, gia đình ông Quảng thu về hơn 2,5 tỷ đồng.
Giai đoạn đầu chăn nuôi, nông dân này cũng gặp không ít khó khăn về kỹ thuật. Các bệnh xuất huyết, chướng hơi thành ruột, lở loét ở cá… xảy ra từng mùa, nhất là vào đợt rét.
“Được sự hướng dẫn từ các kỹ sư chăn nuôi của công ty bột, đồng thời thông qua các lớp tập huấn về cách xây dựng chuồng trại, chữa trị dịch bệnh…, đến nay cơ bản tôi đã nắm khá chắc kỹ thuật nuôi cá lóc lót bạt. Với kinh nghiệm hơn 10 năm, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, hỗ trợ thêm những hộ nông dân muốn học hỏi mô hình này” – ông Quảng nói.
Bên cạnh nuôi cá lóc, nông dân Hồ Văn Quảng còn trồng thêm rau. Tận dụng nguồn nước thải từ cá, ông thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các loại rau trồng ra bỏ cho các chợ đầu mối tại Hội An, Thăng Bình… với thu nhập bình quân mỗi ngày 500 nghìn đồng.
Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thăng Bình và xã Bình Dương thường xuyên quan tâm, khuyến khích cũng như hỗ trợ kỹ thuật mô hình chăn nuôi, trồng rau của ông Hồ Văn Quảng. Nhiều nông dân ở các xã Duy Hải, Duy Trung, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Điện Phong (Điện Bàn)… cũng đến học hỏi mô hình kinh tế của ông.
Ông Nguyễn Thanh Vinh – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Thực hiện kế hoạch phát triển thủy sản huyện Thăng Bình giai đoạn 2022 – 2026, năm 2023 UBND xã Bình Dương đã hướng dẫn cho ông Hồ Văn Quảng xây dựng phương án và làm hồ sơ đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng. Địa phương cũng thường xuyên quan tâm, khuyến khích các hộ nông dân phát triển mô hình nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng…”.
Lãnh đạo UBND xã cũng cho biết, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Hội Nông dân xã thời gian tới sẽ mở thêm các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản, đặc biệt chú trọng mô hình nuôi cá lóc lót bạt trên toàn xã.
Nguồn: Đình Hải – Thúy Hiền (báo Quảng Nam)