Cá bống cát sông Trà là đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi do thịt thơm ngon, nhưng hiện bị đánh bắt quá mức nên dần cạn kiệt.
Các nhà khoa học đã thành công trong sinh sản nhân tạo loại này.
Bảo tồn loài cá bống đặc sản
“Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi thử nghiệm thương phẩm cá bống cát sông Trà tỉnh Quảng Ngãi” do Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung chủ trì thực hiện và KS Lê Văn Diệu làm chủ nhiệm đề tài.
KS Lê Văn Diệu cho biết, cá bống cát lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam trên các thủy vực vùng Cần Thơ năm 1976, phân bố tự nhiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Trung bao gồm tỉnh Quảng Ngãi.
Cá bống cát đặc biệt ưa sống ở nơi nước chảy, lòng sông có cát trắng, ăn rong, tảo, sinh vật phù du nên thịt thơm ngon. Cửa sông Trà Khúc có độ mặn dao động từ 3 – 5%, là môi trường rất thích hợp để thả nuôi cá bống cát. Vì vậy, cá bống cát sông Trà Khúc trở thành đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc đánh bắt, khai thác quá mức khiến cho nguồn lợi cá bống cát tự nhiên trên dòng sông cạn kiệt dần. Sản lượng tất cả các loài cá bống trên sông Trà Khúc (từ lưu vực Tịnh Giang đến Cửa Đại), mỗi năm người dân khai thác khoảng 65 tấn.
KS Lê Văn Diệu cho biết, để sản xuất giống cá bống cát nhân tạo đạt yêu cầu, đòi hỏi phải xây dựng được đàn cá bố, mẹ ổn định, có chất lượng. Cá bống sống trong môi trường tự nhiên, được thu gom ở vùng ven sông Trà Khúc, khu vực xã Tịnh Long, Tịnh Khê, Nghĩa Dũng và Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi), vùng nước lợ tầm 5 – 12‰, khối lượng cơ thể từ 10 – 13 gram/con, chiều dài từ 10 – 20 cm/con.
Cá phải hội đủ các yếu tố như khỏe, các bộ phận cơ thể còn nguyên vẹn, màu sắc tươi sáng tự nhiên. Sau đó, tiến hành nuôi thuần dưỡng trong ao nuôi, thức ăn sử dụng là cá biển tươi (cá cơm), sau một thời gian cá thích nghi với điều kiện nuôi trong ao thì tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp.
Cá đực và cá cái tự nhiên đạt độ thành thục sinh dục, được tiêm chất kích thích sinh sản và đưa vào bể chứa nước có độ mặn tăng dần, máy sục khí và máy bơm đảo nước tạo dòng chảy mạnh, để kích thích cá thành thục và rụng trứng đồng đều để cho cá đẻ và thụ tinh tự nhiên và thụ tinh nhân tạo.
Kết quả, phương pháp cho cá đẻ và thụ tinh tự nhiên đạt tỷ lệ thụ tinh trung bình 48,3%, trong khi thụ tinh nhân tạo có tỷ lệ thụ tinh đạt khoảng 37,5%. Từ đó cho thấy, việc áp dụng phương pháp cho cá đẻ và thụ tinh tự nhiên là phù hợp.
Tạo nguồn cá giống dồi dào
Nghiên cứu các loại thức ăn khác nhau trong ương giống cá bống cát cho thấy, các loại thức ăn kết hợp gồm tảo, lòng đỏ trứng gà và thức ăn công nghiệp (hoặc cá biển tươi xay) là phù hợp nhất. Cá giống chừng 50 – 60 ngày đạt kích cỡ 2 – 3 cm được mang đi nuôi. Sau khoảng ba tháng, đàn cá đã trưởng thành và có thể thu hoạch.
Hai hộ tại xã Nghĩa Hà và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi), tham gia thực hiện mô hình thử nghiệm nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà Khúc, trong ao nước ngọt và ao nước lợ. Mô hình nuôi ao nước lợ đạt sản lượng 105 kg, khối lượng cá thu hoạch trung bình 11,3 g/con và chiều dài cá 11,2 cm/con.
Mô hình nuôi ao nước ngọt đạt sản lượng 260 kg, khối lượng cá thu hoạch trung bình 9,4 g/con và chiều dài cá 10,9 cm/con. Ngoài ra, trung tâm cũng đã thả gần 30 nghìn con cá bống cát tại bờ Nam sông Trà Khúc (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi), nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Trà Khúc đang bị sụt giảm, duy trì sinh kế cho người dân địa phương nơi đây.
Theo nhóm nghiên cứu, cá bống cát sông Trà thích nghi và sinh trưởng tốt trong cả môi trường nước ngọt và nước lợ. Tốc độ tăng trưởng của cá bống cát sông Trà nuôi trong ao nước lợ, nhanh hơn so với ao nuôi trong ao nước ngọt.
Tuy nhiên, sự chênh lệch này là không quá lớn, trung bình 0,09 g/ngày và chiều dài là 0,07 cm/ngày. Điều này cho thấy, có thể nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà trong cả môi trường nước lợ và nước ngọt.
Hiện nhóm đã xây dựng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ương giống, cá bống cát sông Trà Khúc và kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bống cát. Ngoài ra, nhóm cũng đã tập huấn kỹ thuật cho một số cán bộ nông nghiệp, người dân trong tỉnh. Mô hình nuôi thương phẩm cá bống cát sông Trà, có thể nhân rộng, nuôi xen canh tại những vùng nuôi tôm vào mùa lạnh, nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nguồn: Nhật Phong (Giáo dục thời đại)