Thứ Năm, 9/05/2024, 14:59

Phân tích thực trạng ngành lươn Trung Quốc

(Aquaculture.vn) – Năm 2022, sản lượng lươn của Trung Quốc đạt khoảng 275.100 tấn, lượng nhập khẩu đạt khoảng 8.100 tấn, xuất khẩu đạt 11.800 tấn. Đến nay, ngành lươn tại Trung Quốc tiếp tục được đầu tư vào phát triển nuôi theo hướng chuyên nghiệp, mở rộng sản lượng và diện tích.

Mô hình nuôi lươn tại Trung Quốc

Đứng đầu thế giới về sản lượng sản xuất

Trung Quốc hiện là thị trường nuôi và chế biến lươn lớn nhất thế giới, đã hình thành chuỗi công nghiệp tương đối hoàn chỉnh từ con giống, chăn nuôi, sản xuất thức ăn, chế biến lươn và thương mại xuất khẩu. Năm 2022, sản lượng lươn giống của Trung Quốc đạt khoảng 47 tấn. Từ năm 2022 đến nay, giống lươn Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, thiên tai dẫn đến thu hoạch kém, chạm mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây, chỉ đạt 69 tấn.

Sản lượng lươn nuôi của Trung Quốc năm 2022 đạt khoảng 275.100 tấn, chiếm gần 75% tổng sản lượng lươn toàn cầu, phần lớn tập trung ở các tỉnh khu vực ven biển như Phúc Kiến, Giang Tây, Sơn Đông, Chiết Giang và Quảng Đông. Trung Quốc hiện có hơn 3.000 trang trại nuôi lươn, hơn 100 công ty thức ăn chăn nuôi và hơn 50 công ty chế biến lươn nướng trên khắp cả nước, tạo ra hơn 2 triệu cơ hội việc làm và trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột chính ở Phúc Kiến, Quảng Đông và các khu vực khác. Năm 2021, sản lượng lươn của Phúc Kiến và Quảng Đông chiếm 98% tổng sản lượng lươn của Trung Quốc, lần lượt là 45% và 43%.

Với sự phát triển của công nghệ chăn nuôi, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của các mô hình nuôi thâm canh trong bể, nhiệt độ môi trường không còn là yếu tố quyết định đến tỷ lệ sản xuất lươn. Với sự ra đời của thế hệ công nghệ thông tin mới, áp dụng công nghệ điện toán đám mây, Big Data và Internet vạn vật, mô hình nuôi lươn công nghiệp quy mô lớn, chuyên nghiệp, xanh và thân thiện với môi trường đang trở thành hình thức chủ đạo tại Trung Quốc, dần thay thế nghề nuôi lươn truyền thống. Những khu vực có nguồn nước chất lượng như Giang Tây và Tây Nguyên, Hồ Bắc dự kiến ​​sẽ tăng dần sản lượng lươn trong tương lai.

Nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày một tăng

Trước đây, lươn chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng khi nhận thức và nhu cầu về lươn của người tiêu dùng trong nước ngày càng tăng thì mức tiêu thụ lươn nội địa cũng dần tăng lên. Tiêu thụ lươn nội địa tại Trung Quốc hiện chiếm phần lớn trong tổng sản lượng. Doanh thu nội địa trước đây chỉ chiếm dưới 10%, hiện tiêu thụ nội địa đã đạt 60%-70% tổng sản lượng.

Năm 2022, nhu cầu lươn của Trung Quốc đạt khoảng 27,14 tấn. Đồng thời, do nhu cầu về lươn của người tiêu dùng trong nước tăng cao nên lượng nhập khẩu lươn của Trung Quốc cũng tăng theo. Năm 2022, lượng nhập khẩu lươn của quốc gia này đạt khoảng 8.100 tấn.

Trung Quốc cũng là quốc gia chế biến và xuất khẩu lươn lớn nhất thế giới, trở thành một trong những mặt hàng thủy sản thu được nhiều ngoại tệ nhất từ xuất khẩu. Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2022, quốc gia này xuất khẩu tổng cộng 65.000 tấn sản phẩm lươn, giá trị xuất khẩu 1,26 tỷ USD.

Sản phẩm lươn của Trung Quốc đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và khu vực trên thế giới. Các thị trường chính là Nhật Bản, Malaysia và Hoa Kỳ. Trong đó Nhật Bản vẫn là quốc gia chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 50%. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2021, xuất khẩu lươn Trung Quốc sang Nhật Bản đạt 26.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 517 triệu USD, lần lượt chiếm 48,52% và 49,7% tổng lượng và tổng giá trị xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu sang Malaysia đạt 7.441 tấn, trị giá 148 triệu USD. Tiếp đó là Hoa Kỳ với hơn 5.121 tấn, trị giá 93,99 triệu USD. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tập trung tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tại Belarus với sản lượng hơn 976 tấn, giá trị đạt 15,15 triệu USD.

Lươn là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc (Ảnh minh họa)

Xu hướng phát triển

Gia tăng nhu cầu tiêu dùng cao cấp và mở rộng thị trường tiêu dùng là xu hướng phát triển chính của ngành lươn Trung Quốc. Khi mức sống của người dân được cải thiện, nhu cầu về nguyên liệu thực phẩm bổ dưỡng, chất lượng cao tiếp tục tăng. Là nguyên liệu hải sản, lươn rất giàu chất dinh dưỡng như protein, chất béo, vitamin và khoáng chất nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, thị trường tiêu thụ lươn tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mở rộng hơn nữa. Nhu cầu ngày càng tăng về lươn chất lượng cao từ người tiêu dùng cao cấp tạo cơ hội cho ngành lươn quốc gia này phát triển.

Tiếp tục đổi mới công nghệ thúc đẩy phát triển: Trong nuôi lươn, đổi mới công nghệ có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của ngành lươn. Thông qua đổi mới công nghệ có thể giúp phát triển giống lươn kháng bệnh, quản lý chất lượng giống, kiểm soát môi trường… nâng cao hiệu quả và chất lượng của lươn. Ngoài ra, đổi mới công nghệ chế biến cũng có thể nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Phát triển tiêu chuẩn hóa ngành: Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, định hướng ngành lươn phát triển theo hướng tiêu chuẩn hóa. Ví dụ, Trung Quốc có thể tăng cường giám sát việc nuôi lươn, chế biến, phân phối và các khía cạnh khác để đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm lươn.

Tóm lại, xu hướng phát triển của ngành lươn Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở việc mở rộng thị trường tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng cao cấp ngày càng tăng, sự phát triển nhờ đổi mới công nghệ và phát triển tiêu chuẩn hóa của ngành. Việc mở rộng tiêu thụ nội địa tại Trung Quốc cũng sẽ mở ra cơ hội cho người nuôi lươn Việt Nam. Để đáp ứng được nhu cầu từ thị trường láng giềng, người nuôi và doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục cập nhật những thay đổi của thị trường và xu hướng chính sách, tăng cường đổi mới công nghệ và nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm giúp gia tăng giá trị thương mại.

Phạm Huệ