Chi phí đầu vào tăng khiến giá thành tôm nuôi nước lợ tại Việt Nam tăng hơn so với các nước cạnh tranh. Muốn phát triển bền vững, ngành tôm cần tính toán hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho người nuôi.
Chi phí nuôi tôm quá cao
Ông Lê Hồng Phước – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II – cho biết, tôm nước lợ Việt Nam được sản xuất thông qua các mô hình chính gồm tôm-lúa, tôm-rừng, tôm quảng canh, tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh.
Theo ông Phước, tùy mô hình sẽ có tỉ trọng cơ cấu tạo nên giá thành khác nhau. Tuy nhiên, trọng tâm của ngành tôm Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, thì mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh vẫn là nguồn cung ứng nguyên liệu chính phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Đối với mô hình nuôi siêu thâm canh chi phí thức ăn chiếm tỉ trọng rất cao, khoảng 60-65% trong tổng giá thành sản xuất tôm; kế đến là con giống, thuốc thú y, hóa chất, nhân công, điện hoặc xăng dầu…
“Tuy nhiên, tổng kết lại về năng suất và giá thành các mô hình nuôi thì đối với tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh của tôm sú và thẻ chân trắng có giá thành khoảng 97.000-105.000 đồng/kg”, ông Phước cho biết.
Cục thủy sản cũng khẳng định, giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực do chi phí thức ăn chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg, Việt Nam nuôi tối thiểu 90.000 đồng/kg (khoảng 4 USD/kg), so với mức 3 USD/kg của Ấn Độ và 2,5 USD/kg của Ecuador.
Đối với loại hình nuôi tôm siêu thâm canh, theo thống kê mới nhất, chi phí thức ăn chiếm hơn 50%, tôm giống chiếm 8-10%, thuốc, hóa chất cải tạo môi trường, thức ăn bổ sung chiếm khoảng 15-20%, nhiên liệu, khấu hao thiết bị chiếm khoảng 15-20% tổng giá thành nuôi tôm siêu thâm canh. Như vậy, chỉ với những chi phí cơ bản này đã chiếm đến 88-100% tổng giá thành nuôi tôm siêu canh, tức lợi nhuận của người dân gần như không còn, thậm chí thua lỗ khi thị trường giảm giá như thời gian đã qua.
Về phía các nhà máy chế biến xuất khẩu, ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú – cho rằng, giá tôm nguyên liệu của Việt Nam hiện quá cao, chúng tôi muốn mua giá cao để người nuôi có lợi, nhưng không thể làm được do thị trường mặt hàng tôm ngày càng có nhiều nhà cung cấp, có giá cạnh tranh hơn.
Chuyển hướng đầu tư không dễ
Tại tỉnh Bạc Liêu hiện có khoảng 44 tổ chức cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp với nuôi tôm trên diện tích khoảng 70ha bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Trịnh Văn Hoặc, ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Sau khi lắp đặt điện mặt trời, chi phí điện ông phải đóng đã giảm đáng kể, những mùa sản xuất cao điểm ông chỉ phải đóng khoảng 7 triệu đồng/tháng, tháng nào thấp thì chỉ đóng hơn 3 triệu đồng.
Ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Hải Đông Hải – cho biết, việc sử dụng năng lượng tái tạo mang lại lợi ích thiết thực trước mắt cho người nông dân là giảm chi phí sản xuất.
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Trung Hiếu, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích kết hợp giữa nuôi tôm và lắp đặt năng lượng mặt trời; một số dự án lắp đặt điện mặt trời kết hợp với nuôi tôm chưa làm tốt công tác quy hoạch, thiết kế ban đầu, dẫn đến việc triển khai các hoạt động nuôi tôm chưa phát huy hết hiệu quả.
Trước thách thức của mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, đã có người chuyển hướng làm ăn khác. Ông Đinh Vũ Hải, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu bắt đầu nuôi ốc hương thay vì nuôi tôm. Anh cho biết, thấy nuôi tôm nhiều rủi ro, tôi cải tạo ao nuôi tôm chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm. Dù khá thành công, nhưng ông Hải cho rằng, nếu ùn ùn nuôi thì vẫn khó tìm thức ăn cho ốc giá sẽ giảm.
Nhật Hồ
Báo Lao động