Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có 6.695 hồ chứa nước với tổng dung tích 796.143 triệu m3, phân bố ở 45/63 tỉnh, trong đó gần 500 hồ thủy điện với 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt. Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước. Hồ chứa phân bố chủ yếu ở trung du và miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tiềm năng lớn
Cùng với diện tích mặt nước tại các hồ chứa lớn, cả nước có hệ thống sông ngòi dày đặc, mang lại tiềm năng rất lớn cho nghề nuôi cá lồng, bè. Phát triển nuôi cá nước ngọt đang góp phần chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tạo sinh kế cho đồng bào miền núi, cao nguyên, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tại Hòa Bình, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, toàn tỉnh có gần 3.000 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản và gần 5.000 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình. Hiện tỉnh có 37 hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với quy mô hàng trăm lồng cá trên mặt nước, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng nghìn người lao động. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Nhuận cho biết, đến nay tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá lồng được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với quy mô 2.540 lồng, sản lượng đạt hơn 4.550 tấn/năm.
Là một trong những địa phương có nhiều sông, hồ ở đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Hải Dương những năm gần đây rất chú trọng công tác nuôi trồng thủy sản, trong đó có nghề nuôi cá lồng trên sông và trong các ao hồ. Hiện toàn tỉnh có hơn 7.350 lồng cá đang nuôi với sản lượng bình quân đạt 20.000 tấn/vụ, chiếm hơn 20% sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Thị Kiểm cho biết, lĩnh vực thủy sản nói chung, nuôi cá lồng trên sông và trong các ao, hồ chứa nói riêng của các hộ dân đang đóng góp tích cực cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Nhiều hộ gia đình làm giàu từ nghề nuôi cá, có hộ cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tỉnh đang tập trung triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, kiểm tra, giám sát thường xuyên an toàn thực phẩm, hỗ trợ người dân trong lĩnh vực này.
Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh hiện có 72 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất có diện tích từ 10 ha trở lên với tổng diện tích hơn 1.300 ha tập trung ở các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ… Riêng nuôi cá lồng trên sông có 29 điểm thuộc 11 xã của 6 huyện trong tỉnh. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 166 hộ với 2.629 lồng nuôi cá trên sông, tăng 144 lồng so với năm 2022, trong đó huyện Lương Tài 61 hộ với 817 lồng; huyện Gia Bình 57 hộ với 808 lồng; thị xã Thuận Thành 11 hộ với 276 lồng; thị xã Quế Võ 25 hộ với 630 lồng… Cá được nuôi lồng trên hệ thống sông Thái Bình 817 lồng, sông Đuống 1.846 lồng và sông Cầu 36 lồng.
Nghề nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh đã trở thành nghề sản xuất chính và đang dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, mức sống của cộng đồng dân vùng ven sông. Theo tính toán, lợi nhuận một lồng nuôi cá điêu hồng đạt được 40-60 triệu đồng/vụ; cá nheo mỹ 100-120 triệu đồng/lồng/vụ; cá chép giòn 150-180 triệu đồng/lồng/vụ; cá tầm 180-200 triệu đồng/lồng/vụ…
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Nâng cao chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi cá nước ngọt. Ngoài ra, người chăn nuôi cùng với các cơ quan quản lý nhà nước đang đẩy mạnh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, chế biến và tiêu dùng để tạo ra thương hiệu có uy tín trên thị trường.
Là một trong những tỉnh có hệ thống nuôi cá lồng, bè trên hồ thủy điện lớn nhất cả nước, tỉnh Hòa Bình chú trọng công tác bảo đảm an toàn trong chăn nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá nước ngọt nói riêng. Để nâng cao chất lượng các nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi thủy sản, ngày 31/10/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2152/QĐ-UBND giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà-Hòa Bình” và “Tôm sông Đà-Hòa Bình”.
Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản của tỉnh đã cấp 14 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà-Hòa Bình”, “Tôm sông Đà-Hòa Bình” cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, phong trào nuôi cá lồng bè của các hộ dân, doanh nghiệp đã phát triển khá mạnh, tập trung ở một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện ven lòng hồ sông Đà như Mai Châu, Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc…
Phó Chi cục trưởng Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản Nguyễn Thị Phương Thủy cho biết, để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm các doanh nghiệp, các hợp tác xã đã tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh việc kiểm tra định kỳ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục kết hợp với doanh nghiệp, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản lượng cá nuôi trên địa bàn luôn giữ ổn định đầu ra. Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Việt Đức, Công ty TNHH Hưng Nguyên, hộ nuôi trồng thủy sản Hoàng Hoa Fish, nhóm sản xuất nuôi cá lồng Nguyễn Xuân Sang, Hợp tác xã Đà Giang ECO… là các cơ sở được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà-Hòa Bình”, “Tôm sông Đà-Hòa Bình”, ngày càng khẳng định được thương hiệu và chất lượng sản phẩm, giữ vững lòng tin và uy tín với người tiêu dùng. Để ngày càng khẳng định được thương hiệu của các cơ sở nuôi cá lồng trên sông Đà, các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hòa Bình đang tập trung xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá sông Đà.
Với lợi thế có nhiều mặt nước sông hồ để phát triển nguồn lợi thủy sản, tỉnh Bắc Ninh một mặt khuyến khích người dân tích cực nuôi cá nước ngọt, mặt khác tăng cường kiểm tra, giám sát về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, theo Chi cục trưởng Chăn nuôi, thú y và thủy sản Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thọ, do xu hướng phát triển nuôi cá lồng theo hướng công nghiệp tập trung cho nên không tránh khỏi việc ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, ảnh hưởng của chất thải từ các khu nuôi đến môi trường chung quanh cần được quan tâm để bảo đảm phát triển bền vững. Các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo và áp dụng rộng rãi trong sản xuất.
Ngành thủy sản tập trung triển khai giám sát quy hoạch vùng nuôi an toàn, từ khâu chọn địa điểm đến hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi cá lồng trên sông. Đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học để giải quyết các vấn đề dịch bệnh, các tác động giữa nuôi cá lồng với môi trường sinh thái, loại bỏ sử dụng hóa chất và thuốc kháng sinh trong sản phẩm nuôi. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi hạn chế việc sử dụng hóa chất, sử dụng cá tạp làm thức ăn, quản lý việc thuốc kháng sinh trong nuôi cá lồng, kiên quyết xử lý theo pháp luật đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không tuân thủ theo quy định.
Thành Hùng
Báo Nhân dân