Không cần ao, đầm rộng, chỉ với gần 100m2 sân, vườn, gia đình anh Phạm Văn Hoán và anh Phạm Quý Hai, thôn 4, xã Vũ Đoài (Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vẫn có thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi lươn mà không cần bùn.
Mấy năm trước, anh Hoán tự tìm hiểu, nghiên cứu đặc tính của loài lươn, kỹ thuật nuôi lươn qua sách, báo, mạng internet. Sau đó, anh khăn gói vào tỉnh Vĩnh Long, ở đó mấy tháng liền để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ương lươn giống và nuôi lươn không bùn của nông dân miền Tây Nam Bộ. Được bà con nơi đây tận tình chỉ bảo, lại tạo thuận lợi cung cấp con giống khi mới triển khai, về quê nhà, năm 2020, anh Hoán cùng với người anh họ của mình là anh Phạm Quý Hai mạnh dạn cùng nhau cải tạo mảnh ruộng cấy lúa kém hiệu quả để làm nơi ương lươn giống. Đối với lươn giống, anh ương nuôi tại ruộng bùn, nhưng nuôi lươn thương phẩm, anh Hoán và anh Hai quyết định nuôi trong bể xi măng để thuận lợi cho việc chăm sóc, quản lý đàn lươn.
Mảnh sân vườn của gia đình anh Hoán vốn bỏ trống, nay được 2 anh tận dụng, xây dựng thành các bể xi măng để nuôi lươn thương phẩm. Các anh xây 12 bể, mỗi bể có diện tích 6m2, bên trên lợp mái che nắng mưa, bên dưới lòng bể được lót gạch men trơn để lươn không bị xước da. Đối với nuôi lươn, nguồn nước được coi là quan trọng nhất. Anh Hoán và anh Hai thiết kế hệ thống bể trữ nước lớn, chứa nước đã được lọc, bảo đảm luôn cấp nguồn nước có độ pH từ 7,0 – 8,5 vào bể cho lươn và xử lý nước thải khi vệ sinh, thau rửa bể nuôi lươn mỗi ngày, bảo đảm môi trường sạch sẽ.
Anh Hoán cho biết: Để đàn lươn khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh thì cần chú trọng khâu vệ sinh, khử trùng môi trường bể nuôi, bảo đảm sạch sẽ. Vào mùa hè, anh cho lươn ăn với lượng thức ăn nhiều hơn và thau rửa bể nuôi từ 2 – 3 lần/ngày; nhưng vào mùa đông, anh rút bớt lượng thức ăn vì lươn ít ăn hơn; mỗi ngày chỉ cần vệ sinh bể nuôi 1 lần. Định kỳ hàng tháng, anh sử dụng thuốc tím hoặc chế phẩm sinh học tạt đều khắp bể để phòng bệnh cho lươn. Lươn dễ bị bệnh nấm thủy mi, xuất huyết đường ruột, thối mang, vì vậy, anh luôn chú ý theo dõi để phòng, điều trị bệnh kịp thời cho lươn, tránh lây lan ra cả đàn. Trong quá trình nuôi lươn, cần chú ý phân loại lươn theo kích cỡ, tránh tình trạng con lươn lớn nuốt con lươn bé hoặc cắn nhau. Do nuôi trong bể xi măng nên anh Hoán tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen trong bể. Gần đây, anh cải tiến, thay thế giá thể nilon bằng giá thể thiết kế từ giàn ống nhựa đặt trong bể, thuận lợi hơn khi di chuyển và vệ sinh bể nuôi, cũng như quan sát lươn trong bể.
“Nuôi lươn vất vả và đòi hỏi phải có tâm huyết, đam mê, chịu khó tìm hiểu để nắm bắt đặc tính của lươn; từng ngày, từng giờ phải sát sao chăm sóc, quản lý, kịp thời xử lý phòng, chống bệnh cho đàn lươn. So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì nuôi lươn trong bể xi măng hiệu quả hơn nhờ nuôi với mật độ dày hơn, lươn phát triển nhanh hơn, dễ chăm sóc, dễ quan sát để phòng và trị bệnh cho lươn, không cần diện tích lớn vẫn có thể nuôi lươn. Mỗi lứa lươn khoảng 9 – 10 tháng, khi thu hoạch đạt 3 – 4 con/kg. Một số con lươn của chúng tôi nuôi đạt tới trọng lượng 6,5 – 7 lạng/con” – anh Hai chia sẻ.
Hiện nay, việc tiêu thụ lươn khá thuận lợi, thị trường chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, thậm chí ngay tại địa phương. Năm nay, mô hình của 2 anh đã thu hoạch được 1 tấn lươn, chuẩn bị xuất bán hơn 3 tấn lươn nữa. Với giá bán 160.000 đồng/kg lươn, trừ chi phí đầu tư, 2 hộ thu lãi từ 200 – 250 triệu đồng/năm từ nuôi lươn thương phẩm. Ngoài ra, ương nuôi lươn giống cũng mang thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng cho 2 gia đình.
Với ưu thế và hiệu quả từ nuôi lươn trên bể xi măng, không cần bùn, anh Hoán và anh Hai phối hợp với người thân bắt đầu triển khai, mở rộng mô hình sản xuất tương tự ở một số địa phương trong tỉnh với mục tiêu năm 2024 sẽ xuất ra thị trường hàng chục tấn lươn thương phẩm.
Quỳnh Lưu
Báo Thái Bình