Thứ Tư, 6/12/2023, 13:00

Phát huy thế mạnh nuôi cá nước lạnh ở Lai Châu

Với tiềm năng, thế mạnh tự nhiên sẵn có, nuôi cá nước lạnh đang được Lau Châu quy hoạch thu hút các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư. Những sản phẩm từ cá nước lạnh đang dần khẳng định vị thế và chỗ đứng trên thị trường, trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng cao Lai Châu.

Với tiềm năng, thế mạnh tự nhiên sẵn có, nuôi cá nước lạnh đang được Lai Châu quy hoạch thu hút các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư.

Trại nuôi cá tầm, cá hồi Đoàn Hương ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình huyện Tam Đường bắt đầu đưa vào nuôi cá từ năm 2011 với 7 bể nuôi. Sau nhiều năm chịu khó học hỏi kinh nghiệm cũng như thuê chuyên gia tư vấn đến nay trang trại này đã có 23 bể to và 20 bể con với khoảng bốn vạn con cá bao gồm cá thương phẩm và cá giống. Với thị trường tiêu thụ rộng lớn, cá xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên trại cá Đoàn Hương và nhiều hộ dân, tổ chức nuôi cá nước lạnh đang mở rộng quy mô và diện tích.

Ông Đỗ Chí Đoàn, Chủ trại cá tầm, cá hồi Đoàn Hương tâm sự, có được thành công như hôm nay cũng trải qua nhiều khó khăn lắm. Thời gian đầu triển khai làm nói chung là gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là về nguồn vốn, thứ hai là thiếu kinh nghiệm; về kỹ thuật chăm sóc nuôi cá tầm, cá hồi lúc đó chưa có mà chỉ làm theo kinh nghiệm rút ra từ nuôi cá truyền thống. Sau đó là đi học hỏi một số người có kinh nghiệm hoặc ở nước ngoài họ về có kinh nghiệm thì mình học hỏi rồi phát triển lên. Giờ thì thu nhập ổn định và gia đình còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động người địa phương.

Huyện Tam Đường hiện tại đang là địa phương đi đầu trong chăn nuôi cá nước lạnh ở Lai Châu. Trong đó tập trung chủ yếu tại các xã Sơn Bình, Hồ Thầu và Khun Há; các hộ chăn nuôi chủ động áp dụng phương thức thâm canh trong chăn nuôi cá nước lạnh với 342 bể có diện tích 16.504m2. Nhờ nuôi cá đúng kỹ thuật, mỗi năm, sản lượng cá xuất bán ra thị trường của Tam Đường hơn 300 tấn cá thịt. Mỗi tập thể, cá nhân tự đầu tư vốn, giống, thức ăn nuôi cá nước lạnh theo hướng hàng hóa. Đây là nguồn thu ổn định nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.

Huyện Tam Đường hiện tại đang là địa phương đi đầu trong chăn nuôi cá nước lạnh ở Lai Châu.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết, huyện đang tập trung rà soát lại hiện trạng cá nước lạnh trên địa bàn, tổ chức quy hoạch những điểm có khả năng nuôi cá nước lạnh trong thời gian tới. Trong đó ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm phòng, chống thiên tai đối với các cơ sở. Đồng thời huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, mời gọi các cá nhân, tổ chức vào khảo sát đầu tư phát triển cá nước lạnh trên địa bàn huyện.

Từ mô hình thử nghiệm ban đầu chỉ 50m3, đến nay Lai Châu đã phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh lên hơn 30 nghìn mvới sản lượng xuất ra thị trường ước đạt hơn 500 tấn thương phẩm mỗi năm. Lai Châu là tỉnh có nhiều suối với dòng chảy mạnh, nhiều rừng tự nhiên, nguồn nước dồi dào mát mẻ quanh năm; thêm vào đó một số khu vực lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh, nếu biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình nuôi sẽ tạo ra một sản lượng hàng hóa lớn để cung cấp cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Bà Lê Thị Hương Nhàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu đánh giá, Lai Châu là một trong số ít các tỉnh có lợi thế tiềm năng về nguồn nước, khí hậu để nuôi cá nước lạnh. Trong đó tiềm năng được chúng tôi xác định nuôi cá trên bể sẽ được tập trung ở các khe suối như: suối Nậm De, suối Nậm Tàng, Nậm Mở, Nà Đa, Thèn Thảo Hồ và suối Huổi Hồ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, than Uyên và Mường Tè. Bên cạnh đó, tiềm năng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện cũng cần xác định để phát triển trong thời gian tới.

Từ mô hình thử nghiệm ban đầu chỉ 50m3, đến nay Lai Châu đã phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh lên hơn 30 nghìn m3 với sản lượng xuất ra thị trường ước đạt hơn 500 tấn thương phẩm mỗi năm.

Quá trình phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng gặp khó khăn nhất định như: địa hình đồi núi dốc, thiếu mặt bằng để xây dựng, đầu tư lớn, chưa kể giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển vật tư đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để lấy được nguồn nước tại các khe suối, các khu vực nuôi thường gặp rủi ro rất lớn khi lũ ống, lũ quét tràn về, dễ phát sinh thất thoát tài sản cho người nuôi.

Thêm vào đó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, nắng nóng kéo dài trong thời qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình lấy nước vào các bể nuôi; làm giảm sức đề kháng của cá, cá chết do nhiệt độ tăng cao, thiếu oxy, dịch bệnh xảy ra. Đấy là những rủi ro dễ phát sinh trong quá trình nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu, bà Nhàn cho biết thêm.

Trên cơ sở kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy hoạch nuôi cá nước lạnh tỉnh Lai Châu giai đoạn trước và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, trong thời gian tới Lai Châu tiếp tục tạo mọi điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận được với các chính sách, rà soát, đánh giá lại các chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp từng đối tượng, theo các nguồn vốn chương trình chính sách; Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, các nhà khoa học đầu tư xây dựng, làm chủ công nghệ sản xuất giống cá nước lạnh.

Đồng thời tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng trị bệnh; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với chế biến sâu góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh…

Với những chính sách hợp lý, thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng để phát triển thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh. Đó không chỉ giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho bà con; mà còn khẳng định được thương hiệu riêng cho tỉnh với những sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Trần Tuấn – Thái Thịnh

Nguồn: nhandan.vn