Theo thống kê, địa phương hiện có 1.661 bè nuôi thủy sản trên sông Tiền tập trung ở thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy với tổng dung tích 175.000m3. Loài thủy sản được nuôi chính là cá điêu hồng và một số loài cá có giá trị kinh tế khác như: cá ba sa, cá xác sọc, chép nhật, cá chim trắng,… Sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 10.500 tấn cá bè thương phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trong đó, có 01 cơ sở đầu tư nuôi cá bè theo quy trình VietGAP với quy mô 20 bè cho sản lượng mỗi năm khoảng 200 tấn cá thương phẩm. Đây là một hướng đi đang được tỉnh khuyến khích nhằm nâng cao chất lượng cá bè thương phẩm tham gia thị trường.
Thành phố Mỹ Tho là địa phương có nghề nuôi cá bè phát triển mạnh, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Trên đoạn sông Tiền chảy qua thành phố Mỹ Tho hiện có 670 bè với thể tích 63.480m3, chủ yếu nuôi cá điêu hồng với sản lượng mỗi năm 5.000 – 6.000 tấn, tập trung tại các khu vực phường Tân Long, xã Thới Sơn.
Các huyện đầu nguồn sông Tiền như: Cái Bè, Cai Lậy cũng chú trọng phát huy tiềm năng nuôi cá bè trên sông Tiền nhằm giải quyết lao động, việc làm, thu nhập cho nông dân cũng như tăng thêm nguồn nông sản hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện huyện Cai Lậy có gần 100 bè tập trung ở hai xã cù lao Tân Phong và Ngũ Hiệp, còn huyện Cái Bè có khoảng 690 bè, chủ yếu nuôi các loại thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao.
Xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè) gần đây tận dụng lợi thế sông, rạch chằng chịt phát triển nuôi cá bè trên sông. Được triển khai từ năm 2016, ban đầu chỉ có 02 hộ tham gia mô hình nuôi cá bè, với 08 bè cá. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, tại xã Mỹ Lương, mô hình này phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn xã đã có 17 hộ tham gia, với tổng số trên 130 bè cá. Người dân chủ yếu chọn nuôi cá điêu hồng, vì đây là loại cá dễ nuôi, mau lớn, thời gian xuất bán ngắn, ít bị dịch bệnh và được thị trường ưa chuộng.
Nhiều năm nay, Thới Sơn là xã cù lao nằm trên sông Tiền (thành phố Mỹ Tho) chú trọng phát huy nghề nuôi cá bè gắn với phát triển kinh tế vườn trái cây đặc sản và kết hợp du lịch sinh thái, tạo việc làm cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Thới Sơn, toàn xã có 585 bè nuôi thủy sản trên sông Tiền. Chu kỳ nuôi từ 07 – 08 tháng/vụ thì xuất bán khi cá đã đạt trọng lượng khoảng 800g/con đến 01kg/con. Trung bình mỗi bè đạt sản lượng thu hoạch từ 08 – 10 tấn sản phẩm/năm.
Ông Huỳnh Văn Nhàn, cư ngụ tại xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho có 11 bè nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi ròng khoảng 330 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi cá bè, ông Huỳnh Văn Nhàn đã có thu nhập ổn định, trở thành triệu phú nông thôn vùng ven thành phố Mỹ Tho.
Anh Phan Nhựt Đăng Khoa đầu tư 10 bè nuôi cá điêu hồng và một số loại cá thương phẩm có giá trị kinh tế khác như: cá nheo, cá lăng… tại xã Thới Sơn cho biết, giá cá điêu hồng từ đầu năm đến nay tăng khá trở lại. Giá cá điêu hồng xuất bán ra thị trường hiện nay dao động trong khoảng 47.000 – 48.000 đồng/kg, tăng từ 6.000 – 7.000 đồng/kg so với năm trước. Với giá này, người nuôi có lãi khoảng 5.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí sản xuất. Anh Khoa cũng vừa thu hoạch được khoảng 20 tấn cá điêu hồng thương phẩm, bán thu lãi khoảng 120 triệu đồng.
Giá cá điêu hồng tăng khá thiết thực đã góp phần khuyến khích hộ nuôi cá bè tại tỉnh Tiền Giang đầu tư thâm canh, tăng năng lực sản xuất cũng như nâng chất lượng nguồn cá thương phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, giá cá điêu hồng nuôi bè tăng, người nuôi có lãi. Đây là động lực khuyến khích bà con tích cực tu sửa bè, đầu tư thả cá giống và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nuôi cá đạt kết quả tốt.
Mặt khác, còn tạo điều kiện để nghề nuôi cá bè phát triển bền vững, tạo nguồn nông sản hàng hóa quan trọng phục vụ nhu cầu thị trường, thu hút lao động việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Mộng Tuyết
Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang