Thứ Sáu, 30/06/2023, 13:30

Triển vọng từ mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa hữu cơ

Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ cả lúa và cá đều phát triển tốt, trọng lượng đạt 3-4con/kg

Từ nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, mô hình nuôi cá kết hợp sản xuất lúa hữu cơ được Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng huyện Kỳ Anh hỗ trợ triển khai tại thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú, Huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) với quy mô 3 ha. Từ những kết quả đạt được trong vụ Xuân 2023, mô hình tiếp tục được triển khai trong vụ hè thu và làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo.

Vụ Xuân 2023, anh Hoàng Minh Luyến ở thôn Phú Minh (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá rô đầu vuông trên cánh đồng 3 ha được tích tụ từ nhiều ô thửa nhỏ trước kia. Cả cánh đồng này được anh Luyến quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa; đắp bờ, đào ao xung quanh ruộng lúa để thả cá.

Anh Hoàng Minh Luyến cho biết: “Vùng đất này có địa hình sâu trũng, hàng năm chỉ làm được 1 vụ lúa, thậm chí có những thửa ruộng bị bỏ hoang. Sau khi xã có chủ trương tích tụ ruộng đất, tôi đã thuê lại ruộng của người dân trong thôn và cải tạo lại đồng ruộng, đào ao xung quanh để nuôi cá”.

Triển vọng từ mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa hữu cơ
Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ cả lúa và cá đều phát triển tốt, trọng lượng đạt 3-4con/kg

“Vụ Xuân vừa rồi, tôi đã đưa giống lúa lượng cao ST25 vào sản xuất theo hướng hữu cơ, kết hợpnuôi 30.000 con cá rô đầu vuông và 6000 con cá chép. Qua quá trình triển khai, tôi đã luôn tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật vài nhận thấy cả cá và lúa sinh trưởng và phát triển tốt, thích hợp với vùng đất này. Lúa cho thu hoạch và đạt năng suất 5,4 tấn/ha. Đối với cá rô đầu vuông đạt tỷ lệ nuôi sống khoảng 80%, sản lượng ước đạt gần 6 tấn. Còn toàn bộ cá chép hiện tôi đang tiếp tục chăm sóc và sẽ thu hoạch khi đạt kích cỡ thương phẩm.”. Anh Luyến cho biết thêm.

Từ kết quả đạt được, cho thấy rằng mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa này đem lại nhiều lợi ích và đạt năng suất lúa cao hơn canh tác lúa thông thường. Đặc biệt, 2 loại cá này không cạnh tranh thức ăn của nhau mà còn có mối quan hệ cộng sinh với cây lúa. Quá trình triển khai tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu diệt cỏ vì cá sục bùn tìm mồi ở đáy sẽ góp phần làm công việc diệt côn trùng, sâu bệnh hại, phân cá thải ra cũng là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa. Không những đem lại năng suất lúa mà cá cũng được nuôi tốt.

Ngoài ra, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên là chính nên chất lượng thịt cá thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá. Đối với lúa ST25, đây là giống lúa chất lượng cao, được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ vi sinh. So với các giống lúa khác, lúa ST25 ít sâu bệnh hơn nhờ áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Quá trình chăm sóc cho thấy cây sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khoẻ, chống đổ tốt, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương.

Sau khi thu hoạch lúa ST25 với năng suất 54 tạ/ha, gia đình anh Luyến cũng đã thu hoạch và xuất bán gần 6 tấn cá rô đầu vuông, cho thu nhập gần 200 triệu đồng. “Nếu như trước đây thu nhập của nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào 1 vụ lúa Xuân thì nay lúa được sản xuất cả vụ Hè Thu và đã có thêm thu nhập từ con cá. Điều quan trọng là từ đây chúng tôi có thêm hướng canh tác mới tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng”, anh Luyến phấn khởi chia sẻ.

Được biết, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với tích tụ ruộng đất để tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích là chủ trương mà UBND xã Kỳ Phú đang chú trọng triển khai.

Ông Võ Quốc Việt – Trưởng ban Khuyến nông xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh cho hay: Vụ xuân 2023, xã Kỳ Phú đã tập trung ruộng đất dồn điền và phá bỏ 1.536 ô thửa nhỏ để hình thành 70 ô thửa lớn với diện tích 61,5ha tập trung chủ yếu ở thôn Phú Minh. Trong đó, có 15 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Riêng tại vùng Nương Mạ, thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú có diện tích đất trồng lúa sâu trũng gần 3ha, trong đó chỉ sản xuất được 1 vụ lúa Xuân, do vùng đất nhiễm phèn, sâu trũng, năng suất sản xuất lúa thấp.

Với sự mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, anh Hoàng Minh Luyến đã thuê lại đất ruộng kém hiệu quả để trồng lúa kết hợp nuôi cá bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình này, thời gian tới, cùng với chủ trương tích tụ 60 ha đất ruộng ở thôn Phú Trung, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi cá theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thay thế độc canh cây lúa truyền thống lâu đời và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Kỳ Anh cho biết: Toàn huyện Kỳ Anh hiện có diện tích gieo cấy lúa hằng năm hơn 5.500 ha, trong đó sản xuất vụ Xuân cơ bản hết diện tích, còn vụ Hè Thu chỉ sản xuất được gần 80 % diện tích đất trồng lúa.

Hàng năm, còn hơn 1nghìn ha lúa chỉ làm được 1 vụ hoặc bỏ hoang, điều này là một sự lãng phí rất lớn đối với quỹ đất của huyện. Chính vì thế, cùng với việc đẩy mạnh tích tụ, chuyển đổi ruộng đất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vụ Xuân 2023, huyện đã lựa chọn diện tích 03 ha của anh Hoàng Minh Luyến để triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với nuôi cá rô đầu vuông và cá chép. Đây chỉ mới là vụ đầu tiên, nhưng với kết quả đạt được đã mở ra triển vọng mới cho việc nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp trên đất trồng lúa kém hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân./.

Nguyễn Hoàn

Nguồn: Cổng TTĐT SNNPTNT Hà Tĩnh