Thứ Năm, 2/09/2021, 17:03

Kỹ thuật nuôi cá trắm giòn – loại cá dai ngon sần sật hẫp dẫn thực khách

So với cá trắm thông thường thì cá trắm giòn hấp dẫn hơn bởi độ dai giòn, thơm, ngon vượt trội. Chính vì vậy cá trắm giòn rất được lòng thực khách mà giá cả cũng phải chăng. Sau đây agri xin tiết lộ kỹ thuật nuôi cá trắm giòn sao cho thịt cá dai giòn đúng điệu.

Giới thiệu về cá trắm giòn

Cá trắm giòn là loài cá được người dân Việt Nam sáng tạo nên
Cá trắm giòn là loài cá được người dân Việt Nam sáng tạo nên

Ban đầu cá trắm giòn được lai tạo từ cá giòn Châu Âu và cá trắm Việt Nam. Sau này nhờ sự sáng tạo tài tình, người chăn nuôi cho cá trắm ăn đậu tằm, thế là chúng ta có một loại cá vô cùng được ưa thích và có giá trị kinh tế cao hiện nay.

Xét về ngoại hình, cá trắm giòn cũng khá giống với cá trắm thường nhưng cá trắm giòn to hơn có khối lượng từ 5,5 – 7kg. Cá trắm giòn có cơ thể thon dài, hình trụ, bụng cá tròn thon dần về phía đuôi. Cá có chiều dài cuống đuôi lớn hơn chiều rộng của thân.

Cá sở hữu chiếc miệng rộng hình cung, hàm trên rộng hơn so với hàm dưới. Cá có vảy tròn và kích thước vảy lớn.

Thật ra cá trắm giòn cũng là cá trắm thường nhưng được nuôi với phương thức khác nên hương vị khác mà thôi. Cá trắm thường nuôi đến trọng lượng 1kg sẽ thay đổi chế độ ăn, biến thành cá giòn độc đáo thơm ngon.

Thịt cá trắm giòn đúng như cái tên – dai ngon, đậm đà hương vị, dinh dưỡng cao hơn cá thường, khi chế biến không có mùa tanh nên được lòng thực khách. Giá bán thịt cá trên thị trường từ 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Cá trắm giòn có thể chế biến được thành nhiều món ngon đa dạng từ bình dân đến thượng hạng như: cá trắm chiên giòn, cá trắm xào tỏi, lẩu cá trắm…

Cá trắm giòn cũng xuất thân từ cá trắm thường, nhưng để đạt được độ “giòn” đặc biệt thì cần có kỹ thuật nuôi và chế độ ăn đúng đắn nữa đấy!

Kỹ thuật biến cá trắm thường thành cá trắm giòn

Kỹ thuật nuôi cá trắm giòn
Kỹ thuật nuôi cá trắm giòn

Chuẩn bị ao nuôi cá

Vị trí ao nuôi

Ao nuôi phải gần nguồn nước sạch, chủ động được nguồn nước, không gần các nhà máy. Ao phải có vị trí tiện đi lại và dễ quản lý.

Điều kiện ao nuôi

Ao có diện tích 2000 – 5000 m2 có ống cấp và thoát nước riêng, có độ sâu mực nước 1,5 đến 2m, đáy ao nghiêng về phía công thoát nước. Để nuôi cá giòn hiệu quả hơn nên bố trí quạt nước hoặc máy bơm để tạo dòng chảy kích thích cá bơi thường xuyên.

Chuẩn bị thêm máng ăn cho cá để tiện quản lý.

Trước khi nuôi cá cần tu sửa bờ ao cho chắc chắn, phát quang xung quanh, tiêu diệt cá tạp trong ao, lấp lại các hang hốc tránh những con vật khác bơi vào. Có thể sử dụng saponin 12g để tiêu diệt cá tạp.

Bón 5kg vôi cho 100m2 trong ao để tiêu diệt vi khuẩn, làm sạch ao rồi phơi ao từ 5 – 7 ngày cho đến khi ao nứt ra là có thể nuôi cá được.

Chọn giống và thả cá

Chọn giống: Chọn con cá trắm giống có kích cỡ đồng đều trên 1kg, bơi nhanh nhẹn, không bị dị hình dị tật, không bị xây xát.

Thả cá: Thả cá vào lúc sáng sớm hay chiều tối, lúc trời mát mẻ. Mật độ thả cá là 0,5 – 1 con/m2. Trước khi thả cá vào ao cần cho cá nhịn ăn 1 ngày. Khi thả cá cần cho cá làm quen với môi trường nước trong ao bằng cách ngâm bọc nilon chứa cá khoảng 15 – 20 phút.

Thức ăn nuôi cá

Vận chuyển thức ăn nuôi cá trắm giòn từ sáng sớm
Vận chuyển thức ăn nuôi cá trắm giòn từ sáng sớm

Thức ăn nuôi cá trắm giòn khác với nuôi cá thường. Cá được cho ăn đậu tằm (còn gọi là răng ngựa, tàu kê) – loại đậu giúp cá săn chắc và thịt cá giòn hơn. Trong đậu tằm chứa 30% hàm lượng protein, giàu tinh bột, ít chất béo nên rất tốt cho cá.

Đậu tằm thường sử dụng là đậu Trung Quốc, hiện nay ở Việt Nam cũng có sản xuất.

Trước khi ăn rửa đậu trong muối ăn và ngâm đậu trong 1 ngày. Cho cá ăn 1 lần/ngày với lượng thức ăn 2 – 3% thân cá. Đặt đậu trong máng ăn, theo dõi quá trình ăn của cá để điều chỉnh thức ăn thích hợp.

Quản lý và chăm sóc

Định kỳ thay nước và cấp nước, vệ sinh máng ăn cho cá thường xuyên. Theo dõi chất lượng nước hằng ngày.

Định kỳ trộn vitamin hoặc tỏi vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, giảm thiểu bệnh tật.

Bên cạnh chế độ thức ăn, bà con cần duy trì dòng chảy của nước, tạo thêm oxy trong ao bằng máy sục để cá thường xuyên bơi lội, thịt cá săn chắc và giòn hơn.

Thu hoạch

Sau 8 tháng cá có thể đạt kích cỡ thương phẩm, tiến hành thu tỉa hoặc là thu toàn bộ cá.

Kỹ thuật nuôi cá trắm giòn cũng không khác gì với cá trắm thường. Nhưng để tạo được độ giòn thì cần tuân thủ chế độ ăn cũng như tạo điều kiện cho cá hoạt động, bơi lội nhiều. Bên cạnh cá trắm giòn còn có cá chép giòn, đều là những loại cá được yêu thích nhiều trên bàn nhậu vì độ ngon, độ dai giòn khác biệt.

Chính vì vậy, nuôi cá giòn hiện đang là cơ hội mới cho nhiều bà con muốn ổn định kinh tế, tăng thêm thu nhập. Sau những kỹ thuật cơ bản của chúng tôi, mong bà con sẽ nuôi cá trắm giòn thành công rực rỡ.

Nguồn: Agri.vn