Nhằm tận dụng tiềm năng về diện tích nước mặt và điều kiện khí hậu thuận lợi, người dân ở các xã vùng lòng hồ Cửa Đạt đã triển khai phát triển nghề nuôi cá lồng. Nhờ “bén duyên” với nghề mới này, cuộc sống của người dân trở nên khấm khá hơn.
Hồ Cửa Đạt có dung tích hữu ích khoảng 793,7 triệu m3 nước, dung tích toàn bộ là 1,45 tỷ m3 nước; diện tích mặt hồ tại mực nước dâng bình thường khoảng 31 km2 … là điều kiện để người dân phát triển nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản.
Bên cạnh việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên từ hồ, người dân các xã khu vực lòng hồ còn phát triển mô hình nuôi cá lồng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Mỗi lồng cá được đầu tư theo quy chuẩn có diện tích trung bình 36m2, chiều sâu 3,5 m.
Chế độ chăm sóc phù hợp nên cá nuôi trong lồng trên lòng hồ thuỷ điện Cửa Đạt sinh trưởng, phát triển tốt.
Thời gian nuôi khoảng 10 tháng đến 1 năm, cá đã đạt trọng lượng từ 1,7 đến 2 kg trở lên. Theo tính toán của người dân mỗi lồng cá cho năng suất khoảng 7- 8 tạ cá/năm. Giá bán thấp nhất cũng đạt 100 ngàn đồng/kg, doanh thu khoảng 75-80 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/lồng.
Từ hiệu quả kinh tế đạt được, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ đã được nhân rộng. Hiện có khoảng 184 lồng cá, chia thành những cụm nuôi tách biệt, trung bình khoảng 20 lồng/cụm.
Điểm mới trong mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ Cửa Đạt là những năm gần đây là các hộ dân vừa nuôi cá lồng cung cấp sản phẩm ra thị trường gần xa vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Để sự gắn kết này được hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế, các hộ dân ở đây đã chủ động đầu tư 8 thuyền du lịch phục vụ du khách như dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm tham quan trong quần thể hồ Cửa Đạt, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá nuôi lồng ngay trên thuyền để khách thưởng thức….
Để hỗ trợ các hộ dân phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện, UBND huyện Thường Xuân đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021”, trong đó chú trọng đến hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng an toàn sinh học tại vùng lòng hồ thủy lợi, thủy điện.
Nhằm bảo đảm hiệu quả từ sự gắn kết giữa nuôi cá lồng và du lịch sinh thái, các hộ dân ở khu vực nuôi cá luôn quan tâm đến chất lượng nguồn cá sạch, thực hiện đúng hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cá, thức ăn, thời điểm thu hoạch. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh, bảo đảm cho cảnh quan hồ luôn tự nhiên, xanh, sạch, đẹp, góp phần thu hút ngày càng đông đảo khách khi đến tham quan, du lịch nơi đây.
Lê Hoà – Lê Ngọc
Nguồn: vhds.baothanhhoa.vn