Hơn 1 tháng qua, người nuôi trồng thủy sản ở khu vực Hòn Lăng, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) lao đao khi cá chết liên tục, chủ yếu do môi trường nuôi không đảm bảo.
Cá chết hàng loạt
Theo ông Võ Xuân Thông – Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa, nhận thông tin hiện tượng cá chết rải rác ở khu vực Hòn Lăng, ngày 21-5, trạm và các đơn vị chức năng của thị xã Ninh Hòa tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân. Qua trao đổi với người nuôi, hiện tượng cá chết xuất hiện rải rác bắt đầu từ ngày 15-4 và kéo dài liên tục. Đến thời điểm kiểm tra, có 3 hộ nuôi có tỷ lệ cá chết từ 30 – 60% so với số cá thả nuôi.
Cụ thể, bè nuôi của hộ ông Phạm Hữu Minh thả tổng cộng 23.000 cá giống. Thời điểm kiểm tra, cá chim đã nuôi được 5 – 6 tháng, cá bớp 3 – 5 tháng, cá hồng Mỹ 4 – 6 tháng; tỷ lệ cá chết tích lũy khoảng 40 – 50%. Còn tại bè nuôi của ông Nguyễn Duy Quang, khoảng 60% trong số 15.000 con cá bớp, 10.000 con cá hồng Mỹ và 30% trong số hơn 30.000 con cá chim thả nuôi được 3 – 5 tháng đã chết. Bè nuôi của ông Phạm Văn Tri thả nuôi 3.000 con cá bớp, cá mú, cá chim (được 3 – 10 tháng) cũng chết khoảng 60%.
Theo cơ quan chuyên môn, các hộ nuôi khác trong vùng cũng gặp hiện tượng cá chết rải rác, chủ yếu là cá bớp (thả nuôi 2 – 6 tháng), gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Về các dấu hiệu bệnh lý, cá có hiện tượng sưng mang, nổ mắt, bơi yếu lờ đờ, vây nổi u cục (mụn cóc). Một số hộ nuôi đã sử dụng thuốc Rifampicin, một loại kháng sinh dành cho người để trị bệnh cho cá.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận, người nuôi trong khu vực đã thực hiện các biện pháp xử lý khi cá chết bằng cách tận thu những con cá có kích cỡ lớn đem bán. Đối với cá nhỏ, một số hộ thực hiện thu gom, đem vào bờ chôn lấp; một số hộ lại thả xác cá chết hoặc gần chết ra ngay vùng nước khu vực đặt lồng bè nuôi của mình.
Chất lượng nước tại vùng nuôi suy giảm
Theo bà Trần Thanh Thúy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dựa vào kết quả phân tích mẫu cá chết tại vùng nuôi Hòn Lăng, chi cục nhận định: Vùng nuôi Hòn Lăng, Ninh Ích thường xuyên xảy ra hiện tượng cá biển nuôi bị chết (chủ yếu trên cá bớp). Hiện tượng cá chết trong các năm 2019 – 2020 thường xảy ra vào khoảng tháng 6 – 7. Tuy nhiên, năm nay, hiện tượng cá chết diễn biến sớm hơn, có thể do thời tiết nắng nóng sớm, chất lượng nước vùng nuôi bị suy giảm. Ngoài ra, có sự xuất hiện của ngoại ký sinh trên cá nuôi do chất lượng nước tại vùng nuôi suy giảm và việc phòng bệnh trên đàn cá chưa được thực hiện tốt. Đặc biệt, việc vệ sinh lồng bè và vùng nước nuôi không được tuân thủ tốt như: Thói quen xả rác, xác cá chết ra môi trường nuôi; các bè chưa có thùng rác và chưa thực hiện thu gom rác vào bờ… Mặt khác, lượng thức ăn dư thừa của thủy sản tích tụ qua nhiều năm làm lớp trầm tích đáy dày lên, chứa nhiều mầm bệnh và khí độc, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nuôi thủy sản. Ngoài ra, mật độ nuôi quá dày cũng khiến hiện tượng cá chết xảy ra nhiều ở khu vực này.
Để hạn chế tình trạng cá chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, người nuôi trước hết phải nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường vùng nuôi. Đồng thời, phải thu gom rác thải, chất thải, xác cá chết và đưa vào bờ xử lý theo quy định; thường xuyên xử lý môi trường nuôi đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ. Người nuôi cần thả cá với mật độ thích hợp, hạn chế tối đa làm cá bị trầy xước trong quá trình nuôi; phòng trị các loại bệnh ngoại ký sinh trùng nhằm hạn chế quá trình xâm nhập và phát triển của tác nhân gây bệnh; sử dụng hỗn hợp vitamin nhằm tăng cường sức kháng bệnh cho cá, nhất là thời gian chuyển mùa…
Hồng Đăng
Nguồn: Báo Khánh Hòa