Huyện Nhơn Trạch có gần 2 ngàn ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm hơn 90%. Để phát triển vùng nuôi thủy sản quy mô lớn, H.Nhơn Trạch đang kêu gọi nhà đầu tư thực hiện thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ vào nuôi tôm thâm canh theo Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung H.Nhơn Trạch giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2030 được tỉnh duyệt năm 2017.
Vùng nuôi thủy sản lớn của tỉnh
Từ nhiều năm trước, H.Nhơn Trạch đã là vùng nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh. Ban đầu là diện tích mặt nước trên sông, trong rừng ngập mặn, về sau nhiều diện tích đất lúa năng suất thấp, bị nhiễm mặn cũng được chuyển sang nuôi thủy sản. Thời kỳ cao điểm, toàn huyện có hơn 2,2 ngàn ha diện tích nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm. Tuy nhiên, do đa phần là nuôi tôm quảng canh (nuôi thiên nhiên, không thả giống, không cho ăn) và quảng canh cải tiến (có bổ sung con giống), không kiểm soát được mật độ, nguồn nước, dịch bệnh nên diện tích ao nuôi bị bỏ hoang ngày càng gia tăng.
Trưởng phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch Nguyễn Văn Nhân cho biết, nuôi thủy sản là lĩnh vực thế mạnh của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, do nuôi tự phát, vốn đầu tư thấp, dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước khiến một phần diện tích giảm. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1,9 ngàn ha diện tích mặt nước phù hợp nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm là 1.879ha, còn lại nuôi hàu, sò huyết, cá các loại. So với trồng lúa và các loại cây lâm nghiệp như tràm, đước, nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ CP vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường vùng nuôi thủy sản, phù hợp với thực trạng gia tăng độ mặn của nguồn nước vừa có thể đem lại lợi nhuận 3 tỷ đồng/ha/năm.
Từ một hộ nông dân chỉ có vài sào lúa trồng 1 vụ/năm, ông Nguyễn Huy Bình (ấp Bà Trường, xã Phước An) đã trở thành chủ trang trại tôm công nghệ cao với hơn 3ha ao nuôi. Ngoài ra, ông còn hùn vốn nuôi chung trên diện tích 2ha.
Ông Bình cho biết, lúc trước người dân xã Phước An làm được 2 vụ lúa/năm, sau này xâm nhập mặn, nhiều diện tích chỉ canh tác được 1 vụ/năm. Nhiều người bỏ ruộng hoang hoặc chuyển sang trồng tràm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Ông mạnh dạn cải tạo ruộng chuyển sang nuôi tôm theo hình thức quảng canh nhưng thua lỗ do ô nhiễm nguồn nước. Không nản chí, ông vay tiền đầu tư bạt lót đáy ao, mua con giống, mua thức ăn dành riêng cho tôm. Có lợi nhuận, ông dần phát triển diện tích và trở thành người nuôi tôm thâm canh hiệu quả nhất xã.
“Hiện tại, tôi có 18 ao nuôi, trong đó có 2 ao nuôi con giống, các ao còn lại luân phiên tôm tăng trưởng, năng suất bình quân khoảng 60-80 tấn/ha. Toàn bộ ao nuôi, nước được sát khuẩn 100%. Mỗi đợt xuống giống, công ty cung cấp thức ăn, thuốc đều cử cán bộ xuống hỗ trợ. Tôm tôi nuôi khá đẹp nên thường được thương lái đặt hàng vận chuyển ra Bắc. Hiện tại, tôm loại 1 (35-37 con/kg) có giá 170 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 50 ngàn đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán nên vụ này trúng” – ông Bình chia sẻ.
* Khuyến khích nuôi tôm thâm canh theo công nghệ CP
Theo Phòng Kinh tế H.Nhơn Trạch, hiện trên địa bàn có hơn 1,5 ngàn ha diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, năng suất bình quân 3 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha/năm. Khoảng 330ha diện tích nuôi tôm thâm canh, trong đó, thâm canh bình thường năng suất đạt 6 tấn/ha/vụ, lợi nhuận khoảng 270 triệu đồng; thâm canh tôm thẻ chân trắng theo công nghệ CP năng suất đạt 60-80 tấn/ha/vụ, lợi nhuận có thể đạt 3 tỷ đồng nếu thực hiện được 4 vụ.
“Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ CP giúp người nuôi kiểm soát được mật độ, tỷ lệ hao hụt giống, chất lượng nguồn nước, nguồn thức ăn, chất thải nên lợi nhuận cao. Huyện tiếp tục khuyến khích phát triển mô hình này nhằm giải quyết bài toán về kinh tế, dịch bệnh, môi trường” – đại diện Phòng Kinh tế huyện chia sẻ.
Trong 330ha diện tích nuôi tôm thâm canh có khoảng 100ha diện tích nuôi tôm thâm canh theo công nghệ CP tại các xã Vĩnh Thanh, Phước An. Theo người nuôi, hạn chế của mô hình này là vốn đầu tư lớn. Đối với ao chìm, phải xây bờ bao bằng bê tông. Ao nổi phải làm khung sắt để cố định ao trên mặt đất. Ngoài ra, phải lót bạt đáy, đầu tư hệ thống đường dẫn thức ăn, đường thu chất thải, máy tạo oxy chạy liên tục 24/24 giờ, máy phát điện.
Để hỗ trợ nông dân chuyển sang mô hình nuôi tôm thâm canh theo công nghệ CP, H.Nhơn Trạch đầu tư đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi thủy sản; thành lập tổ hợp tác nuôi tôm tại các xã; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP. Cùng với đó kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật trong vùng nuôi tôm, đầu tư phát triển các dự án nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn. Phối hợp với Sở KH-CN xây dựng thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm trên ao nuôi có sẵn ở xã Phước An, sau đó nhân rộng mô hình ra các vùng nuôi khác.
Nguồn: Bao Dong Nai