Thức ăn thủy sản là một trong những nhân tố quyết định thành công của một vụ nuôi. Thức ăn phù hợp với từng nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn nuôi sẽ hỗ trợ đối tượng thủy sản phát triển tốt và khỏe mạnh, nâng cao năng suất, sản lượng nuôi.
Thức ăn thủy sản là gì?
Thức ăn thủy sản (Aquatic feed) là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, được bổ sung vào môi trường nuôi ở dạng tươi sống hoặc đã qua chế biến và bảo quản. Bao gồm thức ăn dinh dưỡng và thức ăn chức năng ở các dạng: Nguyên liệu, thức ăn đơn, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn và các sản phẩm bổ sung vào môi trường nuôi nhằm tạo thức ăn tự nhiên, ổn định môi trường nuôi tăng hiệu quả sử dụng.
Được xem là sản phẩm tác động đến năng suất, sản lượng của thủy sản trong mỗi mùa vụ. Tùy từng đối tượng thủy sản mà có những sản phẩm riêng dành cho chúng. Các loại thức ăn thủy sản phổ biến hiện nay được chia thành 4 loại chính cụ thể đó là các loại sau: thức ăn tự nhiên, thức ăn tươi sống, thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp.
Vai trò quan trọng của từng loại
Thức ăn tự nhiên: Là những cơ thể sinh vật sống và phát triển tự nhiên (hoặc được nuôi trong hệ thống nuôi dùng làm thức ăn cho động vật thủy sản (như các loài rong tảo và các sinh vật phù du động vật). Thức ăn tự nhiên rất quan trọng đối với rất nhiều loài cá, giáp xác và thân mềm, đặc biệt ở giai đoạn đầu đời do chúng có kích thước nhỏ phù hợp với kích cỡ miệng của ấu trùng và rất giàu dinh dưỡng.
Thức ăn công nghiệp (thức ăn khô hay thức ăn viên) có 2 loại gồm thức ăn viên chìm sử dụng chủ yếu nuôi giáp xác và thức ăn nổi dùng cho cá. Thông thường, thức ăn công nghiệp sẽ được bổ sung các vitamin, khoáng chất giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, bảo vệ và tăng cường hệ vi sinh đường ruột, khả năng miễn dịch tự nhiên giúp tôm cá khỏe mạnh và nâng cao tỷ lệ sống. Ngoài ra, trong thức ăn còn có chất dẫn dụ tạo mùi vị hấp dẫn kích thích tôm, cá bắt mồi từ đó làm giảm lượng thức ăn thừa trong ao.
Thức ăn tươi sống: Là các loại động vật tươi làm thức ăn như tôm, cá tạp, ốc, cua,…có thể chăn nuôi xen kẽ để làm thức ăn cho những động vật có giá trị kinh tế cao như: baba, lươn, cá lăng, cá trình,…
Thức ăn tự chế được hiểu là thức ăn do người nuôi tự phối chế chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy trình chế biến đơn giản, chi phí thấp, giúp tận dụng các phụ phẩm hay các nguyên liệu sẵn có, chủ động sản xuất. Tuy nhiên, thức ăn tự chế do không có chất kết dính, độ ẩm cao nên thường bị tan rã trong nước trước khi được tôm cá ăn, dễ gây ô nhiễm nước.
Lưu ý khi sử dụng thức ăn thủy sản
Khi sử dụng thức ăn nhân tạo, do một phần bị tan rã trong nước (nhất là thức ăn dạng rời) mà không được tôm, cá ăn nên sẽ phân hủy, tiêu hao О2, sinh ra nhiều loại chất độc (H2S, NH3,..) ảnh hưởng đến chất lượng nước. Đòi hỏi người nuôi phải linh hoạt cân đối khẩu phần ăn theo loài, giai đoạn phát triển, điều kiện môi trường… cho phù hợp.
Trong môi trường nước luôn có thức ăn tự nhiên, nguồn thức ăn này rất phong phú và đóng vai trò quan trọng trong nuôi thủy sản. Các đối tượng tôm, cá nuôi đều sử dụng thức ăn tự nhiên giúp người nuôi giảm được chi phí về thức ăn.
Đây là lợi điểm của nghề nuôi thủy sản, tuy nhiên những người nuôi thủy sản chưa tận dụng tốt thức ăn tự nhiên (nhất là động vật nổi) để dùng làm thức ăn cho tôm, cá bột; mà đôi khi lại thay thế bằng trứng gà, bột đậu nành,…là những thức ăn có giá thành cao.
Tùy theo đối tượng nuôi và mức độ thâm canh mà người nuôi sử dụng các dạng thức ăn khác nhau. Trong nuôi tôm thâm canh hiện nay, hầu hết các hộ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp. Còn đối với mô hình quảng canh thì gần như dựa hoàn toàn vào thức ăn tự nhiên.